Home Radio online Đọc truyện đêm khuya Trên chuyến tàu Trường Sa

Trên chuyến tàu Trường Sa

338
0

RadioPlus.vn – Làm việc trong ngành Hàng không giúp Hạ đi nhiều. Có những chuyến tham quan vài ba tuần. Có chuyến làm việc kéo dài nhiều tháng ở một đất nước có mùa đông dằng dặc. Có chuyến phải lưu lại cả năm ở một thành phố tràn nắng để hoàn tất thêm một chương trình học. Và cũng có những chuyến đi ngắn ngày chỉ để nhìn ngắm và nghỉ ngơi. Năm tháng và những chuyến đi, cứ lần lượt nối tiếp nhau. Đôi lần, Hạ lấy tay xoay xoay quả địa cầu bằng quả bóng đặt trước bàn làm việc, nghĩ: hành tinh mà con người đang sống, có lẽ cũng không quá bí ẩn và dường như cũng không rộng lớn đến vô cùng.

truong_sa_bien-dao-thieng-lieng-cua-to-quoc-doc-truyen-dem-khuya
Trên chuyến tàu Trường Sa

Ý nghĩ đó vẫn bám theo khi Hạ chuẩn bị hành trang cho chuyến đi Trường Sa.

Giống những chuyến đi nhiều ngày bằng đường không hay đường bộ, Hạ mang theo quần áo, dầu gió, thuốc cảm, khăn giấy thấm nước, mấy xấp túi giấy dùng khi nôn. Con dâu còn gói ghém bỏ vào cái túi xách chị thỏi sâm, mấy vỉ strepsils và tuýp kem chống nắng. Thằng cháu trai phụng phịu ôm lấy chân bà, ngọng ngịu: “Bà o Bi eo ới!” (Bà cho Bi theo với!). Khi bị gỡ ra khỏi bà, thằng bé vùng vẫy, ẩy mẹ ra, đưa hai tay về phía bà, mếu máo: “Bà…bà..ơi..”. Con trai Hạ phải ngon ngọt dỗ dành, thằng bé mới thôi khóc rồi uỳnh ụych chạy đến mở tủ lạnh lấy bịch kẹo mềm ăn dở, nhón tay lấy ra mấy viên tròn như những viên bi nhiều màu, nhét vào tay bà: “Bi o bà!”. Hạ lấy khăn giấy bọc lại mấy viên kẹo rin rít đường, bỏ vào một ngăn nhỏ của túi xách. Chị cúi xuống hôn vào cái má phúng phính của cháu: “Bà đem kẹo của Bi theo nè!”. Bi cho tay vào bịch kẹo định lấy thêm cho bà, ba nó ngăn: “Ăn nhiều kẹo con không sợ bà bị đau bụng sao?”. Thằng bé rụt tay lại. Chắc nó nhớ mấy lần đau bụng vật vã. Hạ dặn: “ở nhà tụi con đưa cu Bi đi xét nghiệm lần nữa. Đã xổ giun rồi mà cháu vẫn còn đau bụng, mẹ sợ…”. Con trai không để mẹ nói hết câu: “Tụi con biết rồi, mẹ yên tâm đi!”.

Con trai Hạ giống cha nó mặt mũi vóc dáng, giống cả cái tính ít nói. Ra sân bay tiễn mẹ nó chỉ nói: “Khi nào có sóng, mẹ gọi cho tụi con!”. Lúc còn mấy bước nữa chị đặt chân vào phòng cách ly, nó chợt gọi: “Mẹ…”. Chị quay lại, nó vẫy tay, nói với theo: “ Mẹ nhớ cẩn thận!”.

2.

Ngày đầu tiên rời bờ, con tàu lướt đi trong gió êm biển lặng.

Biển lặng. Nắng dịu. Trời trong xanh. Hơn trăm con người vẫn còn đứng ngồi cười nói nhộn nhạo ở trên boong, nơi bày bàn ăn, ghế ngồi và cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt tập thể trong suốt chuyến hải trình. Gần một nửa trong số đó đang trò chuyện qua điện thoại. Tàu chắc còn gần đất liền. Cái cảm giác sắp không còn liên lạc được với người thân khiến Hạ nhấp nhổm. Ăn hết chén cơm, húp cạn chén canh, chị buông chén đũa, uống ngụm nước rồi hấp tấp mở điện thoại. Mấy vạch sóng Viettel còn hiện rõ.

Hạ nghe tiếng con trai. Nó nói: “Cu Bi đang ngủ, vợ con trong phòng tắm. Con Kiki nằm ườn trước sân. Còn con ngồi xem ti vi”. Hạ loáng thoáng nghe tiếng đối đáp nhưng không rõ trong bộ phim hay vở kịch. Âm thanh lào xào đột ngột im bặt. Chắc con trai vừa tắt ti vi. Nó nói: “Con rảnh, mẹ cứ tám đi!”. Nghe tiếng con, nghe hơi thở khỏe khoắn, nghe giọng nói không khô khan kiệm lời như mọi ngày, chị nấn ná kéo dài cuộc nói chuyện.

Khi nói, Hạ có cảm giác mình đang trên một chiếc du thuyền. Nhiều lần đi xa, chưa lần nào chị có cái cảm giác thư thái bồn chồn này. Bước thêm mấy bước ra phía mạn tàu, Hạ muốn thu vào tầm mắt cả biển trời xanh vời vợi. Vừa kể. Vừa tả. Chị chợt nhận ra vốn liếng từ ngữ mình quả là nghèo.

Mặt biển yên bình đến nỗi Hạ liên tưởng đến một mặt hồ mênh mông giữa trong xanh. Mặt hồ chợt xao động khi chị nghe cu Bi gọi: “Cha…cha…ơi…cha…”.  Giọng thằng bé kéo dài, nhụ nhự, uy quyền. Con Ki Ki chắc giật mình, sủa lên mấy tiếng. Tiếng con dâu í ới, giục: “Anh ơi, anh… Con dậy rồi!”. Hạ thấy xót con dù biết nó được bố ráp bởi yêu thương. Trước khi tắt điện thoại, con trai nói: “Mẹ ráng ăn uống để đủ sức khỏe. Sóng to gió lớn còn ở phía trước”.

Sau buổi hoàng hôn, con tàu tiếp tục rẽ sóng, lướt đi trong sắc cầu vồng vẫn còn  nhuộm thắm biển trời.

Trước khi nhường chỗ cho bóng đêm, chân trời và mặt biển xoắn xuýt như lứa đôi mê đắm. Hạ hồi hộp trước khoảnh khắc cuống quýt nồng nàn. Giây phút giằng níu hối hả ấy, sự hồi quang chới với của ánh ngày khiến biển trời thêm lộng lẫy.

Khi bóng đêm thô bạo tách chân trời và mặt biển rời nhau, tất cả chìm dần vào bóng tối, cũng là lúc biển bắt đầu lên tiếng.

Lúc đầu, nghe như bản hòa âm xa xa. Rì rà, rì rầm. Gió lơi lả, dịu dàng. Đứng, ngồi trên boong, ai cũng thơ thới đón luồng gió mát. Rồi gió mạnh dần. Xoa vuốt. Dằn dỗi. Dồn thúc. Gió giật xoáy từng cơn và kéo theo một đại dương cuộn sóng.

Nhiều đợt sóng tung bọt trắng xóa hất mạnh lên mạn tàu, tràn qua boong, nơi nhiều người còn nhẩn nha bữa tối. Tô chén đĩa đựng thức ăn bay khỏi bàn ăn, một số văng xuống biển mịt mù, một số lăn lóc dưới sàn tàu. Thức ăn, nước uống tung tóe, vung vãi. Cùng lúc, nhiều âm thanh “á”, “ớ”, “ới” bật ra. Nhiều người giữ được thái độ trầm tĩnh, dù đứng ngồi chao đảo. May là trước chuyến đi, Hạ và mọi người được trang bị đôi dép rọ, đế dép tạo được độ ma sát, nên trước nhiều đợt sóng liên tiếp tràn qua boong, dù chênh chao, nghiêng ngả, phải bỏ chén đũa, phải rời bàn ăn, phải bấu, phải vịn vào bất cứ thứ gì có thể trụ được nhưng không ai trượt ngã.

Không trượt ngã nhưng hai ống quần Hạ ướt sũng. Chị lần về ca-bin, nơi Hạ và tám người bạn đồng hành, được xếp chung một buồng.

Khi mở cửa buồng, Hạ thấy cả tám người đàn bà đều đã có mặt, đang ngồi sát vào nhau trong khoảng sàn đủ trải một chiếc chiếu cá nhân. Mỗi người mỗi gương mặt nhưng có lẽ đều cùng một tâm trạng, dù không ai nói thành lời.

Kéo và đẩy, được sự trợ giúp của chị em, sau một hồi chật vật, Hạ cũng lấy được cái va-ly căng phồng ra khỏi đống hành lý chất thành chồng, cao chạm trần. Chị mở va – ly, lấy ra bộ đồ bộ rồi nhón nhén lách người ra khỏi phòng, lần về phòng tắm.

Cửa phòng tắm đóng. Trong tiếng động cơ rùng rùng, ồn ỉ, Hạ vẫn nghe được tiếng nước dội xả trong phòng tắm. Gió từng cơn len lỏi tuồn theo hành lang dài xộc vào người Hạ. Chị cúi khòm khòm, vắt chéo hai tay ôm đôi vai chống đỡ. Đứng co ro một hồi  vẫn nghe tiếng nước tiếp tục xả xào xào, chị đành lò dò lần về.

Trong buồng đã rôm rả chuyện trò. Có lẽ, lúc này trò chuyện là cách tốt nhất để xua đi nỗi lo đè nặng như bóng đêm bên ngoài. Chị chen vào bên trong, ngần ngừ một lát rồi nói: “Nếu mọi người không chấp, tôi xin được thay bộ quần áo…”. Yên, người lớn tuổi nhất so với chị em cùng buồng, không để cho Hạ nói hết câu, chen vào: “Cứ tự nhiên!”.

Cũng không mấy tự nhiên, Hạ nép sau tấm lưng khá rộng của Quỳ, lần lượt, thay chiếc quần ẩm ướt, thay luôn chiếc áo cũng rin rít muối biển.

Thay xong, Hạ guộn bộ quần áo bỏ vào túi ni-lon nhét dưới chân giường. Chị định sẽ giặt khi mọi người đã ngủ.

124-Tuan-tra-tren-bien-truong-sa-doc-truyen-dem-khuya
Trên chuyến tàu Trường Sa

3.

Không dễ ngủ trong đêm đầu lênh đênh giữa đại dương sóng gió.

Lần lượt, từng người, không cần phải e dè dò hỏi như Hạ lúc nãy, cũng không phải ý tứ kín đáo, đều thay quần áo tại phòng. Ai cũng mặc bộ đồ bộ khá thoải mái. Riêng Yên không thay đồ bộ như mọi người, lục rục một hồi, chị tìm trong chiếc va- li cũng chật căng, lấy ra một bộ đồ đồng phục mà cả đoàn được cấp trước khi đi, thay cho bộ đồ đang mặc trên người, rồi kẹp cái mền vào nách, cầm chiếc võng trên tay, nhìn lướt qua mọi người, nói: “Chị ra ngoài boong giăng võng ngủ!”. Hạ cản: “Chị ngủ ngoài đó, sóng gió…”, Hạ chưa nói hết câu, Yên dứ dứ chiếc võng ra trước mọi người: “Mấy đứa yên tâm, chị quen ngủ võng rồi, hồi trước hành quân, chị toàn ngủ võng!”. Hóa ra, người đàn bà mập mạp hồng hào này, cũng từng là người lính.

Yên đi, tám người người còn lại được chia làm hai tốp. Tốp nhiều tuổi hơn được nằm trên bốn chiếc giường hẹp được xếp thành hai tầng. Tốp ít tuổi hơn thì nằm sát vào nhau trong khoảng sàn trải không thẳng một chiếc chiếu. Hạ thuộc tốp nhiều tuổi được nằm trên giường. Chị nằm trên chiếc giường trệt, đưa cùi chỏ ra là chạm phải sườn của Hương, người đàn bà ít tuổi nhất so với chị em cùng phòng. Hương ngồn ngộn sức sống trong bộ đồ  vải thun ôm sát người. Hương khiến mọi người chú ý bởi cô cười nói luôn miệng, bộc lộ cảm xúc một cách ồn ào.

Hương liên tục rọ rạy. Hạ biết, cũng như mình, mọi người vẫn thức, dù ai cũng  nằm im trong ánh đỏ mờ của bóng đèn ngủ. Chiếc máy lạnh, đặt sát chỗ vách tiếp giáp với trần, cứ rên khèn khẹt như một bà lão bị viêm phế quản lâu ngày. Hương ngồi dậy, lần mò tìm công tắc chiếc quạt máy, bật lên. Chiếc quạt xoay không nổi, cứ khục khặc, khục khặc rồi đứng một chỗ, phả thẳng luồng gió vào mặt, vào cổ Hương. Cô chồm dậy, làu bàu, rồi tắt quạt. Chiếc máy lạnh ì ạch chạy, chợt ngừng lại. Không khí trở nên sánh đặc. Hơi người. Hơi áo quần. Hơi các loại vật dụng. Hầm hập. Ngột ngạt.

Hạ ngồi dậy. Mắt chị hướng về cái ô cửa sổ hình tròn bằng kính loang loáng trước mặt. Mày mò một hồi, chị đẩy được cái ô cửa sổ bật lên, hé ra một khoảng trống. Lập tức, đám bụi nước bắn vào. Chị lật đật khép lại ô cửa, kéo tay áo lau nước ẩm ướt trên mặt, trên cổ, khẽ khàng nằm xuống giường.

Nằm trong bóng tối, trí óc Hạ như sáng hơn và đôi tai, cũng thính hơn.Tiếng sóng ập mạnh vào mạn tàu cũng làm nhịp tim chị đập nhanh hơn. Chiếc máy lạnh, sau mấy phút xả nghỉ đã tích được chút sức, lại ì ạch, vận hành.

Tiếng khò khè của máy lạnh không át được tiếng sóng liên tục đập vào mạn tàu. Hương thì thào vào tai Hạ: “Chị này, em thấy có cái gì đó không bình thường!”. Chị vờ như không nghe. Hương lại lay lay vai Hạ: “Em linh cảm có cái gì đó không bình thường chị ạ!”. Hạ nói nhỏ: “Không bình thường mới là bình thường!”. Câu trả lời kéo Hương ngồi dậy: “Phải rồi, chị em mình nhồi vào cái phòng bé tí này cũng là việc không bình thường!”. Hạ suỵt: “Cô nói khẽ, mọi người đang ngủ!”. Cúc, người đàn bà nhỏ nhắn nằm cạnh Hương lên tiếng: “Em có ngủ được đâu!”. Hương xoay qua Cúc: “Vậy mà nãy giờ chị nằm không nhúc nhích làm em không dám thở!”. Cúc đáp: “Chị cũng không dám cục cựa”.  Hương liền lặp lại câu đã hỏi Hạ: “Này, chị có cảm giác có cái gì đó không bình thường không?”. Cúc nằm im một hồi, rồi đọc, khe khẽ: “Buồm trăn trở giục biển trào bão tố. Dường trong giông bão mới là bình yên”. Hương reo lên: “Đúng, đúng quá! Hình như đó là thơ của…”. “Thơ của ai thì cũng xin các chị đừng đọc lên như thế vào giờ này!”, câu nói từ Thủy, người nằm trên giường bên phải, cắt ngang, làm Hương cụt hứng. Cô vớt vát: “Tại…bọn em không sao ngủ được!”. Thủy trở mình cọt kẹt trên chiếc giường sắt: “Không ngủ được thì các vị cũng ráng giữ yên lặng để người khác ngủ!”. Câu nói sin sít như gió quất sát sạt vào mạn tàu khiến Hương và Cúc lào thào vài câu rồi im bặt. Được ít phút, Hương lại nhoay nhoáy chiếc điện thoại. Màn hình loe lóe lúc sáng lúc tối. Hương lại xoay qua Hạ: “Ước gì còn sóng điện thoại. Em không thể nào ngủ được, chị!”. Hạ nói: “Không ngủ không đủ sức để ra đến Trường Sa đâu, em!”.

Nói với Hương như vậy nhưng Hạ cũng không chợp được mắt. Chị cũng không thể nằm bất động thêm được nữa. Bụng dưới đã căng nước, mót tiểu. Hạ nhìn chồng va-li lù lù và biết không thể kéo chiếc va li của mình xuống để lấy ra chiếc áo khoác vào lúc này. Hạ quơ lấy cái mền rồi nhon nhón, mở cửa, lách người ra khỏi phòng.

Trước cửa phòng, Hạ ngồi xổm, mò tìm trong đống dép vứt ngổn ngang, chọn lấy đôi dép rọ cỡ nhỏ, xỏ vào chân, rồi xắn ống quần lên giữa bắp chân. Chị bước từng bước về phía buồng vệ sinh.

Lúc rời khỏi buồng vệ sinh, đi ngang phòng tắm thấy cửa để mở, Hạ chợt nhớ túi quần áo định giặt còn nằm chỗ chân giường. Chị lò dò trở về buồng ngủ nhưng khi bước tới trước cánh cửa khép hờ, nghe bên trong yên ắng, chị lại ôm tấm đắp lần ngược ra phía boong tàu.

4.

Trên boong, dưới ánh sáng mờ mờ của hai bóng đèn treo toòng ten, Hạ nhận ra giữa những cây trụ sắt với trụ sắt và giữa những trụ sắt với tay vịn cầu thang sắt là những chiếc võng trĩu nặng. Nhiều người chắc cũng như Yên, nhường khoảng không chật hẹp trong buồng cho bạn đồng hành.

Gió rú từng cơn, quất ràn rạt. Sóng va đập văng tung tóe mỗi khi ập vào mạn tàu. Hạ bung cái mền, choàng qua hai vai, mặc cho hai bàn chân, ống chân ướt át. Bám vào tay vịn cầu thang, chị lần khần. Trong phòng, ngột ngạt, bức bí. Ngoài này, sóng gió gầm gào, buôn buốt. Nằm trên chiếc võng vắt vẻo trên tàu, chắc Yên cũng khó ngủ. Mà quấy rầy Yên giờ này thì thật vô duyên. Nghĩ vậy, Hạ rời mắt khỏi những chiếc võng rồi ngồi thu lu trên bậc thang của chiếc cầu thang sắt dẫn lên boong trên, đưa mắt nhìn ra xa xa.

Xa xa, Hạ thấy rải rác những vệt sáng. Những vệt sáng chuyển dịch, chầm chậm. Chị đoán, có lẽ đó là ánh đèn từ những con tàu, dù chị không thể biết đó là tàu chở hàng hóa, tàu đánh cá, tàu khai thác dầu khí hay là tàu chở binh lính và vũ khí. Chị cũng không biết được con tàu mình có mặt đang ở vị trí nào giữa đại dương sóng cuộn. Có tiếng chân bước từ phía sau sau lưng. Hạ quay lại. Một người đang rọi ánh đèn pin về phía Hạ. Chị nheo mắt. Ánh đèn trượt qua, Hạ nhận ra một người đàn ông to cao trong bộ đồng phục hải quân. Người đó bước đến bên chị, lên tiếng: “Cô vào trong buồng nghỉ đi, ở đây không an toàn đâu!”

Hạ hiểu mấy từ “không an toàn” mà người sĩ quan trẻ nói là đứng ngoài này, chị có thể bị trúng gió độc hay bị sóng hất xuống biển. Nhưng thói quen mấy chục năm công tác trong ngành hàng không khiến Hạ lên tiếng: “Để hành khách có cảm giác an toàn thì khi lên tàu, hành khách phải biết mình được trang bị những thiết bị an toàn chớ, cháu?”. Chàng trai hướng ánh sáng của chiếc đèn pin vào một góc trên boong, nơi hàng hóa được xếp vào từng thùng cac-ton với nhiều cỡ kích khác nhau chồng cao gần chạm trần, ken gần kín một góc tàu, trả lời: “Cô ơi, áo phao có đủ để sẵn trong đó, còn xuồng cứu sinh thì ở tầng trên cùng”. Đã đưa tay hé mở cánh cửa, Hạ không ngăn được cái ước muốn bước vào. Chị hỏi: “Nhưng hàng hóa chất đống như vậy khi có sự cố xảy ra, mọi người làm cách nào để lấy được áo phao?”. Chàng trai rọi ánh đèn về phía mạn tàu như để cho Hạ thấy rõ hơn sự va đập hung hăng của những đợt sóng, nói: “Cô không phải lo, con tàu này ra Trường Sa hàng trăm lần rồi!”.

Thấy Hạ im lặng nhìn theo những con sóng, chàng trai lại tiếng:“Tàu này coi cũ kỹ vậy chớ an toàn lắm đó cô. Tàu còn chở hơn mười ngàn mét khối nước, nên chạy đằm lắm. Mùa giông bão còn không làm sao huống chi mùa này!”.

Để cho một người lính chỉ cỡ tuổi con trai mình trấn an, Hạ chợt thấy ngượng. Hơn nữa, lời nói của người sĩ quan trẻ này, xem chừng có lý. Sóng xô gió đẩy không ngừng nhưng con tàu như con kình ngư dạn dày, cứ lừ lừ tiến tới. Còn nếu như xảy ra sự cố, thậm chí là sự cố xấu nhất thì đã sao? Chị chẳng đã lường trước những tình huống bất trắc có thể xảy ra rồi đó sao?

Ba ngày trước khi bước lên con tàu này, Hạ đã làm một việc phải làm, có lẽ không chỉ riêng chị, trước một chuyến đi nhiều giông tố. Chị viết kín hai trang thư gởi lại cho con và làm một tờ giấy có dấu công chứng, ủy quyền cho con trai thay mình sở hữu ngôi nhà, sổ tiết kiệm, vài khoản tiền mà người quen còn vay mượn. Thư chị bỏ riêng vào một bao thư, bên ngoài chị nắn nót viết mấy chữ: “Mẹ gởi các con”. Giấy ủy quyền bỏ vào một bao thư lớn hơn cùng với giấy tờ nhà, sổ tiết kiệm, giấy xác nhận nợ, với dòng chữ bên ngoài “Mẹ để lại cho các con”. Hai phong thư chồng lên nhau, thư nhỏ trên bao thư lớn, Hạ đặt trên bàn trang điểm trong phòng. Khi giao chìa khóa phòng cho con trai, chị dặn: “Lỡ mẹ không về…”. Con trai nhìn sững mẹ. Chị vỗ vỗ vai con: “Mẹ dự phòng thôi mà!”. Con trai thình lình nổi giận. Mặt đỏ gay, nó lớn tiếng: “Vậy sao mẹ lại đi? Có ai bắt mẹ phải đi đâu?”.

Hạ nhớ, chị đã không trả lời con trai bằng lý lẽ. Bằng cảm xúc, chị đã khiến cho con trai cảm nhận được, rằng: có những chuyến đi bởi thôi thúc từ đâu đó, thật thẳm sâu. Nó còn là mệnh lệnh. Mệnh lệnh từ trái tim. Và quyền uy của nó là bất khả. Cũng với sự thôi thúc ấy, mà cha chị, rồi chồng chị, dù gắn bó vợ con như thịt với da, cũng đành rứt lìa, để lên đường… “Cô đi như vầy chắc chú ở nhà lo lắm!”, câu hỏi của chàng trai cắt ngang những hồi nhớ.

Nhìn gương mặt người sĩ quan hải quân cũng trẻ như chồng Hạ ngày chia tay, chị chợt nghe mình nói: “ờ, chú…chú  rất lo cho cô!”.

menh-mong-khoang-troi-bien-dao-truong-sa-doc-truyen-dem-khuya
Trên chuyến tàu Trường Sa

 

5.

Sau câu trả lời chàng sĩ quan trẻ, rằng chồng chị rất lo cho chị, Hạ trở về buồng, nằm im. Càng cố vỗ giấc ngủ, chị lại càng tỉnh rụi. Rồi, ký ức về chồng, với chồng, hiện về. Nhiều hình ảnh còn vẹn nguyên. Nhiều cử chỉ âu yếm mặn nồng vẫn khiến da thịt Hạ như rân rân sốt. Kỷ niệm vẫn tươi rói như mới ngày nào.

Mới ngày nào mà đã hơn ba mươi ba năm. Mới ngày nào mà chị, từ một người vợ vừa chạm được hạnh phúc đã vội trở thành góa phụ trẻ, rồi một mình làm mẹ, làm bà. Mới ngày nào… Phải rồi, anh vẫn luôn bên chị. Và như ngày nào, lúc nào anh cũng lo cho chị. Anh lo khi vắng anh chị thiếu bàn tay đỡ đần. Anh không nỡ để chị mang thai khi không có anh chăm sóc. Đêm chia tay, anh kìm giữ, nằn nì: “Đợi anh về rồi mình có con nghen em!”. Cơ thể tràn sức sống, trái tim đầy ắp tình yêu nơi chị không tuân theo anh. Chị líu quíu cởi bỏ những thứ vướng víu. Như con ngựa bất ngờ được cắt bỏ dây cương, anh lồng lên, đuổi theo chị…

Chị nhớ như in, cái khoảnh khắc hai cơ thể tràn sinh lực chìm đắm trong nhau. Khoảnh khắc ấy, họ chỉ biết có nhau. Khoảnh khắc ấy, mọi thứ bỗng lùi xa, tất cả đều không thể chạm đến họ, kể cả tiếng gầm gừ của cỗ xe chiến tranh. Khoảnh khắc ấy, họ quên luôn vùng biên giới đang oằn mình chịu thương tích từ kẻ thù bên ngoài tràn vào; quên cả việc mờ sáng hôm sau, anh hòa vào đoàn quân tiến về biên cương phía bắc. Cho đến hai tháng sau, khi biết chắc là mình có thai, chị mới viết thư báo tin cho anh.

Lá thư đó, đến một tháng hai mươi ngày sau, được gởi ngược lại cho chị, lá thư anh chưa đọc và vĩnh viễn không được đọc. Lúc đó và mãi về sau, lúc nào chị cũng tin, rằng anh chưa rời xa mẹ con chị. Trong cơn đau trở dạ, chị gắng sức gọi anh. Con ốm đau, con biết cười, con mọc răng, con chập chững biết đi, chập chững vào đời, con trưởng thành, con làm chồng, làm cha; chị đều thủ thỉ chia sẻ với anh. Chị gắng gỏi lấp nỗi trống vắng bằng nỗ lực. Chị học, chị làm việc cật lực. Chị làm mẹ, làm bà, chu toàn. Chị sống cho cả quãng đời không được sống của anh. Lúc chông chênh, đơn độc trong tim chị cũng chỉ có anh. Anh vừa lấy đi một phần đời chị, lại vừa cho chị một điểm tựa.

Chặng đường sóng gió suốt nhiều ngày sau đó, có lẽ chính điểm tựa ấy giúp chị vượt qua được vô số con sóng va đập gầm gào của biển cả và những đợt sóng cồn cào bất an nơi chị.

Sự điềm tĩnh của chị dường như cũng có tác động đối với chị em cùng phòng.

Có lẽ, cũng như chị, mỗi người sau những chênh chao phấp phỏng cũng đã tìm được điểm tựa cho mình.

Hương không dằn được niềm vui vừa viết được bài thơ về biển. Cô đọc to lên cho mọi người cùng nghe. Hạ xao động bởi cảm xúc của tác giả hơn là bài thơ. Thủy kỹ tính như một bà giáo, góp ý Hương sửa từ này, chỉnh từ kia. Cúc cũng hăm hở đọc những câu thơ vừa viết vội. Yên, Quỳ, Kiều, Nga và Phụng, những người đàn bà không làm thơ nhưng họ biết lắng nghe và sẵn sàng sẻ chia với người đồng hành tất cả những gì có thể chia sẻ được: viên thuốc, chén cháo, lọ dầu, bấm huyệt, xoa bóp, gom giặt, phơi phóng áo quần…

Khi cùng một điểm đến và chung một nỗi lo, dường như ai cũng biết thu mình hẹp lại và nhích sát vào nhau. Cũng cái không gian chật hẹp của căn buồng, thậm chí còn bức bí hơn bởi dồn ứ mùi dầu gió, mùi salonpat, mùi các loại thuốc say sóng, cảm cúm, đau nhức…nhưng không ai nhăn nhó càu nhàu như ngày đầu đêm đầu đặt chân lên tàu. Có lẽ, cái không gian ấy đã được cơi nới, từ tấm lòng.

Khi hòn đảo đầu tiên hiện ra, Hương reo to lên trước tiên. Mọi người tràn ra boong. Tim Hạ đập mạnh. Trong chị lâng lâng bồi hồi như gặp lại bóng dáng người thân.

Có lẽ không chỉ riêng Hạ. Ai cũng nôn nả. Ai cũng muốn mình là người đầu tiên được chạm vào cái núm ruột xa cách đất liền bởi trùng trùng sóng gió. Ai cũng muốn được ôm chặt, siết chặt những người giữ đảo. Nhưng rồi phải kìm nén. Phải nhường cho tốp ca sĩ, nhà thơ, nhà báo lên trước.

Sau khi xoa kem chống nắng và nai nịt áo phao vào người, Hương siết tay Hạ: “Lên đảo sau bọn em, đừng buồn chị nhé!”.

Hạ đang vẫy tay với tốp người vừa bước xuống thuyền vào đảo thì Yên bước tới, nháy mắt với chị: “Hai chị em mình sẽ được lên đảo chìm!”

6.

Hòn đảo chìm nhô lên mặt biển. Xa xa trông giông giống con rùa cõng chiếc ba lô kềnh càng trên lưng. Đến gần, con rùa đá và chiếc ba lô trĩu nặng lại là một pháo đài vững chãi.

Trời xanh, biển xanh, nắng chói. Các chiến sĩ tràn ra đầu cầu thang đón đoàn. Trong bộ quân phục hải quân, trông ai cũng trẻ, khỏe, rạng ngời.

Đoàn người chia thành mấy tốp. Tốp gặp gỡ, trò chuyện, trao thư và quà từ đất liền. Tốp văn nghệ ca hát cùng chiến sĩ. Yên kéo Hạ tách ra. Cả hai lặng lẽ lần dò “thám thính” nơi ăn chốn ở của chiến sĩ.

Khi len lỏi theo những đường hầm mờ tối ẩm ướt dọc ngang của pháo đài, Hạ vẫn chưa hết ngạc nhiên trước vẻ hồn nhiên rạng ngời trên gương mặt của các chiến sĩ ở một nơi bốn bề bốn mùa sóng gió bủa vây.

Hạ cập rập theo gót Yên, người đàn bà có đôi chân thoăn thoắt, đôi chân từng vượt suối, trèo đèo. Điện thoại trong túi reo. Hạ dừng lại, rút điện thoại ra, áp vào tai.

Nghe tiếng con, dù tiếng được tiếng mất, Hạ vẫn hình dung ra vẻ mặt vui mừng của con trai, con dâu, rồi thằng cháu nội và cả con Kiki nữa, khi được nghe tiếng mẹ, tiếng bà sau gần bốn ngày mất liên lạc. Sợ không kịp giờ lên thuyền, chị nói vội mấy câu rồi hẹn con, khi lên tàu, chị sẽ gọi lại.

Chui ra khỏi đường hầm, Hạ bước vào căn phòng chật hẹp gọn gàng, nơi đặt hai  chiếc giường hẹp, một chiếc bàn nhỏ và trên mặt bàn, bên cạnh mấy quyển sách là chiếc đèn làm bằng những chiếc vỏ ốc. ở đó, nơi gần khung cửa sổ nhìn ra sóng nước xôn xao, chị thấy Yên ràn rụa nước mắt trước một chiến sĩ trẻ măng có miếng vải tang đen ghim nơi ngực. Yên nghẹn ngào cho Hạ biết, chàng trai vừa mất mẹ.

Người con không thể về chịu tang mẹ, kìm nín, rồi vỡ òa. Chàng trai lúng túng gục mặt giấu nước mắt vào ngực Yên. Ôm người lính vào lòng, Yên vỗ nhè nhẹ: “Khóc đi, con trai!”.

Yên là người cuối cùng bước xuống thuyền. Khi thuyền được tháo dây và rời bến, người lính vừa mất mẹ, từ trong “pháo đài” chạy một mạch ra đầu cầu rồi bất ngờ lội ào xuống biển, tiến về con thuyền, đưa cao chiếc đèn được kết từ vỏ ốc.

Thuyền tốp máy. Tròng trành. Chàng trai bơi về phía con thuyền, đưa chiếc đèn cho Yên, hào hẻn: “Chiếc đèn này… con làm… tặng mẹ con. Giờ… cô… cô giữ…”.

Thuyền quay mũi, băng băng chạy về hướng chiếc tàu đang neo đậu ở chỗ biển sâu. Trên thuyền mắt ai cũng đỏ hoe, kể cả vị tướng già dạn dày trận mạc. Mọi người lần lượt chuyền tay nhau, ngắm nhìn chiếc đèn được kết, không chỉ bằng vỏ ốc.

Những chiếc vỏ ốc trắng ngà óng ánh, được tỉ mỉ dán kết thành hình một đóa sen đang nở. Giữa đóa sen là chiếc bóng đèn như quả tim thẫm đỏ.

Đến lượt Hạ, chị giữ chiếc đèn một hồi lâu, trước khi trao lại cho Yên. Và chị biết, hình ảnh chàng trai, chủ nhân của chiếc đèn vỏ ốc, cùng với vẻ mặt rạng ngời của các chiến sĩ Trường Sa, sẽ còn theo chị suốt những chuyến hình trình còn lại.

Bích Ngân/báo Văn nghệ số 5-2013
Tác giả: Bích Ngân

Thu Gọn Nội Dung

Audiobooks trước101 truyện Mẹ kể con nghe – Nguyễn Tiếng Chim
Audiobooks tiếp theogiọt rượu cuối cùng
mèo con có sở thích nghe truyện, blog radio. truyện đêm khuya phát trên sóng Fm và mèo con muốn chia sẻ những truyện audio hay mà google đã được nghe và sưu tầm được tới thính giả của RadioPlus.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here