Home Radio online Đọc truyện đêm khuya Ráng chiều rực đỏ – Nguyễn Thị Việt Hà

Ráng chiều rực đỏ – Nguyễn Thị Việt Hà

653
0

RadioPlus.vn – Ả quệt mồ hôi vương trên trán, cái bụng vượt mặt nặng nề.

– Ai bánh còng, bánh cam hôn?

 

Không một thanh âm vọng lại. Vài đứa trẻ lem luốc nhìn xịa bánh thèm thuồng. Bóng ả hắt xuống đường. Tiếng rao của ả bị nuốt chửng và trôi tuột xuống dòng sông nước lờ nhờ. Mùi mặn ngai ngái của muối biển, mùi tanh của cá phân phơi ngoài bãi xộc lên làm ả muốn ói.

 

Ả mệt nhọc bưng bụng chậm từng bước dưới nắng chiều. Bà chủ quán bún mắm réo:

 

– Vô đây tí coi?

– Tui không ăn bún.

– Bụng tụt vầy chắc sắp sanh ta ơi.

 

Ả e dè ngồi sát mép băng ghế gỗ. Đó là cái quán bún mắm dựng lên bằng chòi lá sơ sài cuối thẻo đất xóm đảo. Mùi nước lèo thơm lựng, ả lần mấy đồng bạc lẻ nhăn nheo, có cả thẩy là tám ngàn đồng, không đủ tô bún. Ả tần ngần xếp phẳng phiu mấy tờ tiền rồi ấn sâu vào túi. Nước miếng tứa ra, ruột gan cồn cào. Ả đói… Người đàn bà nhỏ thó, cũ kĩ trong bộ bà ba nhàu nát y như cái quán của mụ dòm ả, chép miệng hỏi:

 

– Đói hôn? Ăn tô bún nghe bây?

– Tui nói rồi tui không ăn bún. Sáng giờ bán được có tám cái bánh cam hà.

– Ai bắt bây trả tiền. Tao làm cho tô nghen.

– Thôi, tui đi à. –  Ả vội đứng dậy bưng xịa bánh.

 

Người đàn bà ấn ả xuống, dịu giọng:

– Tao thấy bây bụng mang dạ chửa, tao thương. Bây sợ mắc ơn thì tao đổi tô bún lấy mấy cái bánh cam. Tao ngán bún, ăn bánh cam trừ bữa. Bây cứ ngồi.

rang-chieu-ruc-do-truyen-dem-khuya-vov
Ráng chiều rực đỏ – Nguyễn Thị Việt Hà

Khác với vẻ nhếch nhác khi nẫy, người đàn bà nhanh nhẹn cời lửa cho nước lèo sôi ngùn ngụt rồi chan vào tô bún cho ngập nước. Sau đó xếp cá thêm lát thịt ba rọi, vài con tép bạc, kèm theo rau thơm, giá sống, bắp chuối, rau muống chẻ nhỏ, nước mắm ớt nguyên chất, vắt thêm tí chanh. Sau đó mụ chan nước lèo lần hai.  Ả rưng rưng dòm tô bún, dễ cả năm ả chưa được ăn ngon như vầy. Ả nói nhỏ nhí:

 

– Tui ăn à. Mơi bán có tiền tui trở lại trả chị.

– Tiền bạc gì bây ơi. Tao đổi bánh ăn chớ đãi đằng chi. Ăn đi cho nóng.

 

Ả đói ăn không kịp ngửa mặt. Ráng chiều đỏ hắt xiên ngang quán, ả húp cạn đến muỗng nước lèo sau cùng, đưa tay quyệt ngang mặt lau mồ hôi túa ra tròn như hột đậu khắp mặt. Ả nhìn mụ chủ quán hàm ơn. Người đàn bà cười hềnh hệch xuề xòa.

 

– Chị bán đỡ hôn?

– Hên xui bây.

– Sao cho tui ăn bún. Lỡ tui giựt…

– Tao thấy bây qua đây từ sớm, giác giờ bánh chưa hết chắc đói, tao kêu. Đàn bà chửa mau đói lắm, tao biết.

– Ờ, chị lấy thêm mấy cái bánh ăn nhen. Tui đi bán cho hết.

 

Ả gói mấy cái bánh đưa mụ chủ quán tốt bụng rồi bưng xịa bánh rao, tiếng rao có vẻ phấn chấn hơn lúc trước. Ráng chiều như cố thu tất cả rực rỡ  nắng của ngày trước khi lụi tàn để màn đêm hắt lên người ả. Phía sau, người đàn bà thở dài đánh sượt nói trỏng:

 

– Cái thân vậy đó mà thằng ác nhơn nào hiếp con nhỏ tới mang bầu.

 

Ả là con cái nhà ai? Từ đâu đến, ả bao nhiêu tuổi? Không ai biết! Chỉ biết ả có cái tên cũng phiêu du: Phấn. Chỉ biết ả đã lớn lên cùng với cây cối xung quanh, những con vật thân thuộc và dễ nuôi như con gà, con chó và cả mấy con chuột thậm thụt dưới ruộng. Người ta thấy ả làm đủ thứ hết bán xôi, bán nước ở cổng trường học, tìm mua ve chai, làm bánh cam, bán dạo khắp thôn cùng ngõ hẻm…

nghe-truyen-rang-chieu-ruc-do-audio
Ráng chiều rực đỏ – Nguyễn Thị Việt Hà – ( Ảnh Minh Họa )

Phấn có khuôn mặt đẹp, da trắng sứ, tóc đen tuyền, môi mọng đỏ. Khốn nạn thay khuôn mặt đẹp ấy lại đậu trên đôi chân cong vòng teo tóp như hai nhánh cây khô, muốn di chuyển ả như con tôm cong người bật về phía trước. Ai nhìn thấy ả cũng cũng ám ảnh, buông thõng một câu: “Trời đày!”. Nhà ả ở mẩu đất thừa cuối chợ, kế bãi rác. Nói là nhà cho sang chứ đó là một cái chòi được quây bằng mấy miếng tôn thiếc tạm bợ chừng mười mét vuông, mái lợp lá dừa. Cũng chẳng biết đâu là cửa ra vào, chỉ có một khoảng trống phía trước để có thể phân biệt ngoài trời và trong nhà được che bằng tấm liếp đan bằng cây sậy. Cả đời Phấn chưa bao giờ được sống trong ánh đèn điện, chỉ nhìn thấy ánh sáng bừng lên trong những căn nhà của hàng xóm. Tài sản ả có là chiếc nồi nấu ăn, hai cái chảo, vài cái thau, cái cối xay bột, mấy cái bát đũa đã sứt mẻ và  tấm ván ngựa mỏng tang kê cao thay cái giường nằm.

 

Không bạn bè, không người thân, Phấn cứ tồn tại như một trò đùa của tạo hóa. Cuộc sống của ả cứ lặng lẽ trôi đi, hệt như con thuyền cứ hàng ngày từ lạch sông ra quãng vắng. Dù vậy, ả cũng không được yên ổn. Chẳng là chòi của ả tận dụng thẻo đất thừa cuối chợ tự phát để dựng nhờ chứ chẳng phải đất của ả, nửa cục đất chọi chim ả còn không có nói chi đến đất dựng nhà. Ngặt nỗi cái chợ ở gần nhà văn hóa của xã nên người ta lấy đó làm chướng mắt. Ả không có cái hộ khẩu nên không được xét cấp sổ hộ nghèo. Mà biết đâu chừng có cái sổ ấy người ta thương tình xét cất cho Phấn cái nhà, ả không phải lăn lóc ở cái chòi chật chội này, cũng không lo ngày nào chính quyền cũng đến động viên ả dỡ cái chòi đi cho đỡ bầy hầy, dù cảnh quan ấy được đống rác nằm chình ình đầy ruồi nhặng chuột, mèo chết, chó chết được quăng ra đấy, bốc mùi tanh thối áng ngữ. Đêm nằm mơ, Phấn không dám mơ gì nhiều, ả chỉ mơ mình có cái sổ hộ nghèo. Phấn nhiều lần phát hoảng và thương hại cho cuộc đời mình, nghèo đói đến thế là cùng. Phấn không bao giờ biết đến lễ tết, giỗ chạp. Nhưng điều đó không làm ả khổ sở bằng sự cô đơn.

 

 

Phấn không nhớ mình đã bao nhiêu lần nghẹt thở, quằn quại như chính ả bị đẩy vào giữa những câm lặng đau đớn miên man. Ban đầu ả dẩu mỏ nhổ toẹt ra vẻ kinh tởm cái cảnh trần tục, bản năng hoan lạc của những cặp tình nhân, nhưng ả nằm không yên, nghiêng đầu ngó vào lỗ đinh đóng tuột của miếng tôn dòm người ta tình tự nhau như thế nào. Xóm biển không thiếu những quán nước nhưng có lẽ do cái nghèo bó lấy hoặc cái u uất, tối tăm ở góc chợ hợp hơn với tình yêu người nghèo chăng? Hay tại  bãi đất trống được tận dụng làm cái chợ nhóm này vắng vẻ? Phấn vô thức lần giở từng nút áo, trong tiếng rên rỉ của đôi trai gái đang cuộn vào nhau, rất nhỏ nhưng đánh động mọi cảm giác của ả. Phấn ưỡn ngực bóp chặt vào hai bầu vú tròn căng, mắt nhắm nghiền, lăn tròn trên sạp. Đôi chân ả quẫy đạp trên đám giẻ rách mà ả cố vá víu thành áo quần. Nhói. Một cây đinh đứt đầu lòi trên tấm sạp đâm vào chân. Phấn lần đến đôi chân, giật thót mình như vừa chạm phải vật gì ghê tởm lắm. Đôi chân khèo, khô quắt, cong vòng một cách kì dị, những ngón chân không thành hình thù của bàn chân mà như móng vuốt của loài mãnh thú. Phấn giật mình. Phấn xé tung quần áo và bật khóc thương cho cái thân của ả. Mọi thứ bung tỏa, vụn vỡ. Nỗi cô đơn hành hạ ả thống khổ cả tinh thần và thể xác. Những tiếng vọng hoan lạc của đôi thể xác từ cuối góc chợ ẩm ướt, hôi bẩn, tăm tối không hề gợn cho ả cái cảm giác nhầy nhụa mà như những âm thanh diệu kì nhất, hay ho đẹp đẽ nhất mà ả thèm khát.

 

Xóm chợ có thêm một cư dân mới. Đó là một gã trai vạm vỡ, đầu tóc gọn gàng, hắn làm nghề bốc vác. Hắn hay cười, hở hàm răng vàng xỉn do hút thuốc lá nhiều. Mấy cô bán đồ tươi thích ghẹo hắn, thích mướn hắn vác hàng, ngoài tiền công còn “bo” thêm ly cà phê hoặc bao thuốc lá. Mấy người già thích bởi hắn thiệt dạ, có việc gì cũng nhiệt tình phụ giúp. Tuyệt nhiên hắn không bao giờ lớn tiếng dù có bức xúc đến đâu đi chăng nữa hắn cũng chỉ cười trừ. Ban đầu người ta tưởng hắn ít nói, hóa ra hắn câm. Nên người ta gọi hắn là “Câm” riết thành cái tên luôn.

 

Ban ngày hắn làm lụng siêng năng, ban đêm hắn về chải cái chiếu trên thớt thịt ở chợ nằm ngủ. Hắn um mấy miếng vỏ dừa xua muỗi. “Nhà” ả ở cuối chợ. “Phòng” hắn là cái thớt thịt của bà Ba Quân giữa chợ. Kể ra thì cũng gần gũi, ấy thế mà hắn và ả giáp mặt chớ có hề gật đầu chào nhau một tiếng mà chỉ đưa mắt dòm qua rồi thôi. Nhưng lòng hắn chộn rộn mỗi khi gặp ả. Hắn thương đôi mắt ngơ ngác dưới hàng mi cong, hắn ngẩn ngơ mỗi khi Phấn cười, hắn yêu cái tướng đi khó nhọc của Phấn. Với hắn, dáng ấy chẳng phải của một người tàn tật mà trở nên uyển chuyển, dịu dàng. Mỗi khi ả bật cong người để di chuyển khuôn ngực thách thức nhô ra phía trước, cặp mông tròn lẳn trồi lên trụt xuống sau mỗi bước chân, cánh tay trần no nưỡng, trắng trẻo phất đều. Phấn đẹp lõa lồ như một con cá hô cái quậy ổ, tìm cách phới cái bụng trứng, giữa những đường lượn của những con cá hô đực vào một ngày mưa đầu nguồn sông Bảy Háp mà Câm đã từng thấy. Với hắn đó là chuyển động quyến rũ, gợi tình. Hắn cười thầm mãn nguyện, xem đó là hạnh phúc riêng gã cho cái phát hiện quan trọng đó. Dân xóm chợ bắt đầu xì xào, chọc ghẹo khi bắt gặp hắn lén lợp lại mái nhà cho Phấn, đổ cho đầy cái kiệu nước, gom củi vụn cho ả chụm bếp. Mà hắn làm việc ấy thầm lặng lắm, khi ả vắng nhà. Ả đi bán bánh cam, hắn mới len lén đỡ đần, hắn lo lo, thương thương… Đích thị là hắn tương tư.

 

Hắn nghiện cái món bánh cam của Phấn làm. Có lẽ, Câm nghĩ, cô Phấn đã vô tình nêm bột bằng một thứ gia vị đặc biệt: Mồ hôi trinh nguyên ở khe ngực cô rớt xuống nên không bánh cam phương nào hấp dẫn hơn bánh cam cô Phấn. Cả đời hắn chưa thấy ai làm bánh cam khéo như Phấn. Phấn trộn bột nếp và bột gạo mỗi thứ một lượng bằng nhau cộng với một ít đường, muối đem nhào đều, sau đó đem ủ. Đậu xanh cho vào nồi rồi đổ ít nước vào, nấu cho sôi vào khuấy đều đến khi nào nhừ thì cho đường và chút muối. Sau đó lấy bột bánh nắn mỏng cho nhân đậu xanh vào rồi nắn dẹt dẹt cho vào chảo dầu sôi. Bánh chín nhanh tay cho nước mè đường tráng lên mặt bánh. Hắn say mê dòm ả làm bánh quên cả công việc chính của mình là bửa cho chú Hai Sếch hai thước củi, đặng mai nhà chú có đám cưới.

 

Hắn suy nghĩ lung lắm. Hắn trở mình liên hồi khiến cái thớt thịt cũng rên lên theo nhịp trở mình. Mấy hôm nay nhà bà Lành không gánh bánh canh bán đầu chợ nữa, nghe đâu thiếu đói, mấy đứa con ăn đến cụt vốn, dù gánh bánh canh mặn của bả chưa đến một trăm ngàn. Cái xe hủ tiếu gõ của ông Tư thời sự cũng không còn đẩy qua đây mỗi đêm. Tiếng thanh tre gõ vào nhau của thằng Cu Lì con ông Tư sinh động như một bản nhạc đường phố giờ tắt ngúm. Nghe nói thằng lớn nhà ổng đánh bạc thua, đến cái xe hủ tiếu chủ nợ cũng đến xiết. Mà nói cũng tội, thằng con làm thợ hồ nghe người ta rủ rê đánh bạc mau giàu, gã nghe bùi tai nhào vô… Giá mà hắn trúng số, trước nhứt hắn sẽ mua thêm mấy cái xoong, chảo, lò thiệt lớn đặng “người tình trong mộng” của hắn chiên bánh cam cho thoải mái; thứ nữa hắn cho người vài trăm, ai hắn cũng cho đều trân. Hắn lại nghĩ có khi vài trăm ít quá hay là người vài triệu để xoay sở mần ăn. Nhất định chuộc cái xe hủ tiếu cho ông Tư. Còn một việc trọng đại nữa là hắn sẽ mua đất, cất nhà, hỏi cưới Phấn, đám cưới hai người sẽ đường hoàng, rỡ ràng. Hắn hết nằm nghiêng, lại nằm ngửa, ngó mặt lên trời cười mình ênh. Nhưng mà “của thiên trả địa”, trúng vé số lớn có khi lại mất đi cái gì đó lớn hơn. Mà biết đâu chừng lúc có tiền hắn lại trở thành con người khác, lúc ấy lại biết đâu chừng người trong mộng của hắn không phải là ả? Nghĩ  thế hắn lại đâm ra sợ. Hắn quyết rồi, cả đời hắn chỉ sẽ yêu Phấn… Hay là thôi, cứ nghèo như vầy cũng được, để hàng ngày hắn được dòm Phấn, canh me ả sắp đi bán bánh cam để mua mở hàng và chiều tối về nếu bánh cam ế hắn sẽ mua hết cho ả. Để mỗi ngày hắn được nhìn thấy ả cười ỏn ẻn, ngắm cái tướng con cá hô quậy ổ của ả là hắn cảm thấy vui không kể xiết. Hắn thôi không nghĩ nữa quấn tấm mền cũ từ hồi năm nẳm gáy đều. Trong mơ, hắn thấy ả mặc áo cô dâu trắng tinh đi bên hắn.

 

– Dậy đi, mưa lớn không biết lạnh sao?

 

Hắn ú ớ tỉnh giấc, giật thót  nhận ra người con gái hắn mới thì chiêm bao trước khi nhận ra mưa hắt ướt một nửa cái thớt thịt.

 

– Thôi, vô chỗ tui đục mưa. Tui ngó tội, tui kêu anh vô đó.

 

Hắn gãi gãi đầu, áng chừng hắn thấy kì, cảnh nam, nữ đơn chiếc trong đêm cô quạnh ở chung cái chòi, chòm xóm người ta dị nghị. Phấn  nói một lèo:

 

– Anh mắc cỡ heng? Tui để anh ướt luôn. Tui nhớ cái ơn anh lợp cái chòi, kê cao tấm ván ngựa, nên tui thấy trời mưa gió kêu anh vô chòi chớ có ham hố chi. Cao su nè quàng vô hay không tùy anh á. Tui vô, đặng ướt bệnh ai mà lo.

 

Nói rồi ả ngoăn ngoắt dáng con tôm bật đi về phía cuối chợ. Hắn cảm động quàng nhanh tấm cao su tẻn tò theo sau.

 

– Anh lên bộ ván nằm ngủ tự nhiên nghen. Tui mắc làm, mơi tui bán khoai môn luộc.

 

Hắn hươ tay có ý gấp gáp hỏi sao ả không bán bánh cam. Ả nín thinh không nói gì, lát sau nói trỏng:

 

– Nếp, đậu, đường… thứ gì cũng tăng giá. Làm bánh nhỏ đi thì kì mà thêm giá thì coi cũng hổng được. Làm y rang cũ thì không có lời. Sống sao nổi.

 

Hắn chưng hửng, mai mốt hắn biết ăn bánh cam ở đâu? Hắn dòm ả rửa khoai rồi dòm cái xịa hàng ngày ả vẫn xếp bánh cam lên đó tự nhiên lòng thấy sao sao. Phấn chụm cái bếp củi bắc nồi khoai lên rồi nói:

 

– Anh có ăn bánh cam của tui cả đời được đâu mà tiếc chi? Anh ngủ tiếp đi, mưa lớn lắm. Sắp tới mùa mưa rồi, anh tính sao chớ ngủ thớt thịt hoài đâu có được.

 

Hắn ra hiệu liên hồi, biểu ả cứ làm bánh cam đi, mắc bao nhiêu hắn cũng ăn, hắn ăn cả đời được. Hắn không quan tâm cái thớt thịt, mưa kệ nó. Hắn chỉ quan tâm đến ả. Hắn bước xuống, lấy tấm bạt kéo ngang chòi, che mấy lỗ dột. Phấn nói bâng quơ:

 

– Mưa hoài…

 

Hắn nhìn, dưới ánh lửa bập bùng, ả đẹp lạ. Phấn đưa củi vào bếp, ngồi buồn so. Sao mà lúc nào hắn cũng thấy ả buồn, kể cả những lúc cười. Cái chòi của ả rung lật bật lên trong gió, mấy miếng tôn va nghiến vào nhau. Cái nền thấp trũng mưa lớn chút là nước tràn vô nhớm nhúa. Mấy cái cột gầy đét giỏi lắm chỉ trụ được đến giữa mùa mưa. Nhìn vô đâu hắn cũng thấy chỗ này cần sửa, chỗ kia cần sửa. Phấn dòm hắn, ý chừng đọc được điều lo lắng của hắn, nói:

 

– Anh lo cho tui chi. Cũng khỏi sửa, mơi mốt chính quyền người ta hốt cái chòi của tui rồi.

Hắn ngồi xuống gần ả. Tự nhiên run bắn, lần đầu tiên hắn được gần ả như thế. Khoảng cách chừng nửa sải tay. Phấn cũng tự nhiên run bắn, lần đầu tiên có người đàn ông dòm ả âu yếm đến thế. Lâu nay người ta chỉ dòm ả theo cái kiểu của lòng thương hại hoặc khinh sợ. Có lần khi đi bán bánh cam về muộn, ả ngồi trên bờ ruộng nghỉ mệt có thằng khốn nạn dâm đãng miệng nồng nặc mùi rượu lẫn lộn mùi tanh tưởi của cá, các loại cua còng toát ra từ mồ hôi xấn tới, tóc bù xù bết lại che nửa khuôn mặt cháy đỏ nắng gió biển khơi, ngự trên khuôn mặt đó là đôi mắt hoang dại, cái mũi sần sùi, cặp môi màu thịt trâu thiu, hắn dùng đôi tay cuộn bắp thịt lực lưỡng  kéo ả đến gốc dừa mặc ả van xin, kêu khóc đến khi hắn lột quần ả, hắn khựng lại nhìn đôi chân teo tóp, những mảng da dúm dó kì dị hắn giơ tay tát ả, nhổ nước bọt gằn lên:

 

– Đ… mẹ. Dòm cái mặt đẹp mà dòm chân mắc ói. Hết ham.

 

Thằng say tỏ vẻ ghê tởm, phát cười hô hố ngật ngưỡng bỏ đi để lại phía sau lưng một người đàn bà tật nguyền trần trụi. Khuôn mặt thằng say, cái mùi tanh tưởi lợm giọng đó ám ảnh, xoáy vào suy nghĩ của ả rằng: thân thể ả không phải là thân thể của một con người.

 

Không nhìn hắn, Phấn đưa củ khoai vừa chín tới cho gã:

 

– Ăn đi cho nóng. Còn mưa tới sáng.

 

Hắn nhận lấy củ khoai rồi chụp luôn bàn tay của Phấn. Phấn giựt mình theo phản xạ kéo tay lại nhưng hắn đã nắm chặt.

 

Mưa vẫn rơi trên mấy tàu lá dừa lộp độp. Rơi xuống cả mặt đất cằn đanh lại. Tiếng sóng vỗ oàm oạp bờ kè từ ngoài sông vọng vào. Lửa vẫn cháy bập bùng trong cái chòi tạm bợ như chẳng thể tạm bợ hơn. Có hai bóng người cứ nhích lại, nhích lại…

 

Xó biển bỗng nhiên có những cơn chấn động nho nhỏ. Từ xóm trên xóm dưới ai cũng bàn tán không dứt. Vài tháng trước, người ta xôn xao kể nhau nghe chuyện ông trưởng ấp trong lúc rượt mấy thằng ăn cắp bị chúng đập cho vài gậy bể đầu chảy máu phải nhập viện. Ai cũng khen ông trưởng ấp gan dạ, dám nhận lãnh nguy hiểm để bảo vệ trật tự an ninh xóm làng. Mấy tháng sau, người ta xôn xao cái tin giật gân chuyện cô Phấn có bầu. Ai cũng cố tìm hiểu, phân tích xem Phấn chửa với ai. Chị Hồng bán thịt heo quả quyết:

 

– Tui chắc con Phấn nó có bầu với thằng câm!

– Thiệt hôn? – Bà Lành bánh canh xáp vô hỏi.

– Chắc mà. Dòm mặt tưởng hiền, dè đâu cũng thứ dữ.

 

Bà Ba Quân vừa vung dao chặt cái sọ heo vừa bô bô:

– Có ai hiền cái vụ đó đâu mấy bà ơi. Ờ héng, mà thằng chả đi đâu biệt? Hay bỏ của chạy lấy người.

 

Mấy người đàn bà phá lên cười.

– Mấy bà này lạ, biết có phải của thằng Câm không mà nói nó chi cho tội? – Ông Tư hủ tiếu ngừng tay dọn dẹp mấy cái tô lên tiếng.

– Còn ai vô đây nữa mà hỏi. Hổng nó thì ai? Hổng lẽ ông? – Đám đàn bà phá lên cười. Ông Tư lắc đầu đẩy tiếp cái xe hủ tiếu đi về.

rang-chieu-ruc-do-audio-truyen-dem-khuya
Ráng chiều rực đỏ – Nguyễn Thị Việt Hà – ( Ảnh Minh Họa )

Bước vào nhà, ông Tư ngồi nghỉ chút rồi cuốn điếu thuốc băn khoăn nghĩ. Thằng Câm bỏ cái xóm này đi mấy tháng ngay cái lúc con Phấn có bầu thì bà con tránh sao nghi ngờ. Cái thằng tệ, để lại cái bụng bầu cho con nhỏ mà thân nó vậy xoay xở sao. Cô Phấn áng chừng cũng bằng tuổi thằng con lớn của ông. Phải chi cái chân cô Phấn không có tật thì cũng nhiều đám dòm ngó, hỏi cưới chớ đâu…

 

Ông Tư réo:

– Cu Lì, theo ba đến chợ thăm cô Phấn con.

– Dạ! – Cu Lì nhảy phóc từ đống cát xuống theo ông Tư.

 

Ông Tư ghé tạp hóa mua lon sữa, kí đường. Nghĩ tới nghĩ lui thấy tội, ngày trước thằng Câm tốt bụng, gặp ai cũng tiếp giúp, cả xóm này thích nó. Nó hay tới lui nhà ông Tư nhất là kể từ sau ngày ông Tư bị xiết cái xe hủ tiếu. Có nó ông cũng đỡ buồn. Bà Tư mất sớm, mình ông Tư gà trống nuôi con  cực nhọc. Thằng Câm thấy vậy mà thứ gì cũng biết. Nó đóng cho ông cái chuồng nuôi trăn lại cho ông mượn số tiền dành dụm đặng ông chuộc cái xe hủ tiếu đẩy đi bán cho đỡ cực. Tới cái chòi của Phấn, Cu Lì gọi:

 

– Cô Phấn ơi, có nhà hôn? – Miệng nói tay tới, Cu Lì đẩy miếng liếp ngó vô. Phấn đang ngồi dựa lưng vào tấm phản, da nhợt nhạt, cái bụng tròn nhô lên. Thấy ông Tư vô, Phấn đứng lên mời ông với thằng Cu Lì ngồi lên phản. Ông Tư ngó quanh cái chòi, xem chừng nó cũng rệu rã. Ông thấy lo, dòm cái bụng này chắc gần tháng sanh.

 

–  Sắp sanh mà ở trong cái chòi này tao thấy không ổn nghe bay.

 

Ả lấy cái bánh cam đưa cho Cu Lì, thằng nhỏ toét miệng cười cầm lấy liền miệng nhai rổn rảng.

 

– Không sao đâu chú Tư. Thấy vậy chớ chòi của con chắc lắm. Hôm bữa anh Câm lấy dây chì cột hết trơn rồi. Ảnh còn thay giúp con mấy cái cột.

 

Vậy là đích thị cái bụng bầu này của thằng Câm rồi, người ta nói chớ có sai, ông Tư nghĩ. Ông không thể nghĩ thằng Câm nó tệ đến vậy, lỡ gây cho con người ta chuyện động trời đó thì phải có trách nhiệm chớ sao để con nhỏ nó thế này, rồi mai mốt sanh nở…

 

– Hay bây qua tao ở tạm. Tao coi thằng Câm với bây như con tao. Thằng này nó bậy quá, nó để bây như vầy…

 

Phấn khựng lại, đưa tay bưng mặt, vai run lên, đôi chân tật nguyền khụm xuống, xịa bánh cam mới làm ụp xuống đất. Ả khóc hu hu như đứa con nít:

 

– Trời ơi, có khổ nào bằng khổ này không con…

 

Ông già Tư cúi xuống nâng ả dậy, thằng Cu Lì nãy giờ nghe thủng câu chuyện mắt nó cũng đỏ hoe. Một đứa con nít như nó chưa hiểu hết thế nào là căm hận, nhục nhã nhưng nó biết thương cái thân thể tật nguyền của cô Phấn kia không biết làm thế nào để nuôi con, nó thương mấy cái bánh cam mới làm ngon lành thế mà đổ ập xuống lấm lem đất cát. Cu Lì quyệt nước mắt, đưa tay lượm mấy cái bánh cam… Ngoài trời gió bỗng rít lên, cái chòi xơ xác run lên bần bật. Trong chòi một già một trẻ đang nâng nhau đứng dậy…

 

Mấy ngày nay, xóm biển lại xôn xao bàn tán. Không ai biết cô Phấn bỏ cái chòi ở xó chợ đi đâu. Người ta chỉ thấy cái chòi trống huơ trống hoác lăn lóc mấy cái xoong méo mó mốc meo. Có người nói cô Phấn sanh thiếu tháng, đứa trẻ chưa biết khóc đã ngừng thở. Có người nói cô Phấn đau khổ quá nhẩy xuống biển tự tử. Cho nên nước biển khi đó nghe mấy người đi câu mực kể có mùi tanh như mùi máu. Có người lại nói có khi cô Phấn bê bụng đi tìm ba đứa bé – thằng Câm. Bà bán bún mắm còn đồn thổi cái chuyện khó tin là vào một buổi chiều, nắng đỏ rực một cách quái gở bà nhìn thấy một con cá lạ ưỡn cái bụng chửa trắng tởn quẩy đuôi hụp lặn đầu nguồn sông Bảy Háp thì bà thấy rõ mồn một cái đuôi của nó chẻ ra làm hai, một bên quặt lại dúm dó y chang đôi chân cô Phấn… Bà quả quyết cô Phấn hóa thành con cá lạ đó.

 

Chẳng ai bén mảng đến cái chòi của cô Phấn, dù nó rệu rã như răng bà già. Chính quyền địa phương cũng không dẹp nó đi cho đẹp vẻ mỹ quan. Chỉ có tay trưởng ấp, trên trán có vết thẹo dài đỏ ửng hay giật giật lên, thỉnh thoảng từ cái nhà văn hóa mắt láo liên ngó sang dòm chừng – ấy là thằng Cu Lì hay chơi chọi lon gần đó phát hiện ra.

 

Duy chỉ có ông già Tư là biết rõ sự thực. Cái ngày cô Phấn sắp chuyển dạ thằng Câm bất thình lình xuất hiện. Nó về mang cô Phấn đi. Cô Phấn mắt ầng ậc nước, quỳ xuống lạy tạ ông già Tư đã cưu mang cô những ngày tháng nghiệt ngã và cho ông biết cái sự thật đắng nghét, sững sờ. Vào cái đêm mưa gió, khi thằng Câm quyết đi thành phố mần ăn đặng kiếm tiền về cưới cô Phấn sau khi nắm được tay cổ. Thì một đêm mưa gió khác, khi hắn không còn ở xóm biển, nước tràn vô cái chòi cô Phấn phải di cư lên cái nhà văn hóa trú tạm. Cái đêm mưa gió bão bùng ấy tay trưởng ấp mò đến nhà văn hóa, gã choáng khi nhìn thấy da thịt cô Phấn in rõ mồn một trên nền áo ướt. Máu nóng dồn lên mặt, gã chăm chăm nhìn vào khuôn ngực phập phồng, cái mông hẩy lên, nhấp nhô sau những bước di chuyển… Như một con thú đang cơn động đực, gã vồ lấy Phấn, đè nghiến lấy…  Gã đã làm cái chuyện đồi bại trước khi cô Phấn dùng hết sức căm phẫn đạp y bật ngửa đầu va vào cái ghế dài dùng để bà con ngồi sinh hoạt… Gã đàn ông nồng nỗng rú lên ôm lấy trán…

 

Ông già Tư mỗi ngày đều bán hủ tiếu gõ. Cứ chiều xuống, ông già Tư nổi lửa nấu nồi nước súp, còn Cu Lì lóc cóc thanh tre gỗ khắp các hẻm nhỏ. Lâu dần cái xóm ở xó biển không ai còn nhắc đến chuyện mất tích cô Phấn với thằng Câm dù cái chòi vẫn còn đó, dù chỉ là một đống vụn vỡ cả tôn và mấy cây đước. Chỉ có ông già Tư còn nhớ, chỉ có ông già Tư biết thằng Câm quyết dắt cô Phấn đi vì tình yêu, vì quyết định hoàn toàn bản năng, theo linh tính như những con thú đánh hơi thấy sự nguy hiểm.

Ông Tư cần mẫn đẩy xe hủ tiếu, cái bóng cao gầy của ông xuống đường quê. Dòng sông cạnh con đường nhuộm ráng chiều đỏ rực, nắng xế tạt nắng lên tán cây, nhuộm vàng tóc Cu Lì. Xóm xó biển đẹp lạ lùng…

 

Miền Tây, mùa mưa 2010

Tác giả: Nguyễn Thị Việt Hà – Diễn đọc: Minh Nguyệt, Việt Hùng

 

Thu Gọn Nội Dung

Audiobooks trướcThất Dạ Đàm – Thập Tứ Khuyết
Audiobooks tiếp theoĐồng quê xào xạc – Trần Đức Tĩnh
Lưu Ý: Thông tin về những phát thanh viên của vov bạn thấy trên website chỉ là thông tin do chúng tôi thu thập được. Những Phát thanh viên, Nghệ sĩ trên "KHÔNG" công tác, làm việc và viết bài trên website RadioPlus.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here