Home Radio online Đọc truyện đêm khuya Phấn mùa ở phía Hội An – Trương Thị Thanh Hiền

Phấn mùa ở phía Hội An – Trương Thị Thanh Hiền

347
0

Nghe đọc truyện đêm khuya vov2 – Truyện viết về tấm gương hi sinh anh dũng, quả cảm của một người nữ du kích trong kháng chiến chống Mỹ. Chị Sáu là hình ảnh đại diện của biết bao cô gái hi sinh thầm lặng vì sự nghiệp cao cả của đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chị là cô gái tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống sát cánh cùng người yêu, người đồng chí của mình chiến đấu với quân giặc. Ngay từ khi còn nhỏ, tinh thần yêu nước và niềm tự hào của người phụ nữ Việt Nam đã được hun đúc trong cô bé Sáu qua câu chuyện Bà Trưng, Bà Triệu. Khi bị địch bắt, dù bị chúng tra tấn dã man nhưng chị Sáu vẫn không hề khuất phục. Sự hi sinh của chị tiếp thêm sức mạnh chiến đấu chống quân thù của đồng đội và người thân.Truyện xúc động khiến người đọc, người nghe nhất là bạn trẻ ghi nhớ công ơn những người con ưu tú ngã xuống vì cuộc sống hòa bình hôm nay…..


Anh ngồi giữa, tôi và chị ngồi hai bên, thòng hai chân xuống cầu khỉ đung đưa. Dưới chân chúng tôi, dòng nước mương Bà Cộc lờ đờ trôi dập dềnh những giề lục bình trong ánh trăng vàng thẫm, những bông hoa tim tím hình con công ánh lên. Xung quanh là đom đóm tỏa ánh sáng lập lòe. Anh ham học lắm, muốn như người xưa, bắt đom đóm bỏ vào chai để làm đèn học. Dù thời bây giờ đã có đèn nhưng anh vẫn thích như vậy, vì ánh sáng của đom đóm gợi cho anh niềm say mê. Anh theo ông Hai trong làng, một ông lão không ai rõ nguồn cội, không một mảnh bằng trong tay, mà chuyện xưa chuyện nay đông tây kim cổ, trồng lúa, trồng hoa, văn học, lịch sử, khoa học… thứ gì cũng biết.

Anh vừa đánh đồn về. Bộ quân phục anh rách bươm, mặt lem luốc bùn đất, tóc còn mùi thuốc súng. Chị ái ngại.

– Anh mệt rồi sao không về nghỉ đi?

– Anh muốn gặp em. Anh chỉ muốn nhìn mặt em một cái rồi dìa.

Anh nhìn chị. Lúc đó tôi còn quá nhỏ, mới mười ba tuổi. Tôi không biết phân tích ánh mắt anh nhìn chị, bởi vì đối với một con bé mười ba tuổi, nhìn chỉ là nhìn thôi. Mãi sau này, khi tôi mang súng đi đánh trận, làm một người du kích đối diện với bao điều sống chết trong từng khoảnh khắc, tôi mới hiểu ánh mắt anh nhìn chị, hiểu được niềm trìu mến lẫn khắc khoải lo âu khi ánh mắt anh lướt trên tóc chị, đi dần xuống mắt, xuống môi, xuống cằm, rồi đậu trên khuôn ngực tròn trịa no căng trong lần áo bà ba đen. Anh nói, nhìn mặt chị một cái rồi dìa, nhưng rồi sa vào cuộc chuyện trò phút chốc cả ba quên mất trận đấu còn vương mùi thuốc súng trên người anh kia. Tôi và chị như hai đứa học trò uống từng lời thầy giáo nói, bởi lẽ kiến thức anh có được từ ông Hai là vô cùng vô tận. Anh đọc thơ, kể chuyện lịch sử, nào bà Trưng ra trận ăn mặc như bà hoàng với nhung giáp vàng lộng lẫy, dù bà đang để tang chồng, cho quân thù khiếp vía vì cái đẹp uy dũng hào tráng, nào bà Triệu lẫm liệt không cam tâm làm nô lệ.

Chị đăm đắm nhìn anh. Mắt chị lấp lánh như sao. Những ngôi sao sáng ngời ấy đưa anh ra ngã ba, dừng lại rất lâu dõi theo bóng anh và đưa tôi về nhà. Hôm đó ba má tôi đi vắng nên chị qua ngủ với tôi. Chiếc cầu khỉ bắt ngang con mương Bà Cộc kĩu kịt dưới bước chân hai chị em. Đêm đó tôi ngủ gác chân qua người, không nghe chị cự, cái chân mày như chân voi mà cứ gác hoài. Tôi ôm chị, cũng không nghe chị càu nhàu nực nội muốn chết mà ôm vầy sao ngủ được như thường ngày. Thân hình chị tròn lẳn và nóng hổi trong vòng tay. Khuôn ngực căng đầy phập phồng hơi thở.

Đó là đêm cuối cùng chị công khai đi lại, công khai ngủ nhà tôi. Sáng hôm sau thằng đó lại đến, cái thằng cảnh sát chín ngón thỉnh thoảng vẫn đến đe dọa ba má và chị. Cô Sáu qua mắt ai thì được chớ hông qua mắt được thằng này đâu. Một người hồi mới tám tuổi đã dám không chào cờ còn nói cờ ba que là cờ Việt gian, cờ bán nước, thì không phải là người chịu an phận. Hà cớ gì ba má cô Sáu đưa cô ra chợ Cái Tàu học may? Bộ tui đui sao tui hông nhìn thấy là ba má cô cũng không bằng lòng cho cô qua lại với cái bọn Việt cộng kia mà muốn tách cô ra. Cô Sáu à, nhà cô theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lấy chữ hiếu làm đầu mà. Nghe lời ba má lo học may đi rồi lấy một tấm chồng cho danh giá, rồi sanh con đẻ cái hưởng phúc lâu dài. Chớ tui nói cho cô hay, ngày làm bộ may may vá vá, tối luồn lách tuyên truyền xách động dân chúng chống lại quốc gia có ngày tù mục xương. Trời trời, cái mặt duyên dáng mặn mòi như vầy nè mà bị đánh cho sưng bầm nát bấy thì cũng uổng lắm. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, hay là cô ưng tui đi, được bảo bọc che chở trọn đời.

Hứ! Chị hất mặt lên, đôi chân mày rậm xếch lên như nữ tướng, mắt đanh lại. Mày có nghe kể về bà Triệu chưa? Nghe bà nói câu này chưa? Câu gì? Ta chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người. Có lấy chồng, tao cũng lấy người đồng chí hướng giết giặc bạo tàn, chứ không phải bọn bán nước như tụi mày. Cái bản mặt cầu vinh hại quốc như mày có đem kiệu vàng tới rước tao cũng không thèm.

Bữa sau, chị thoát li hẳn.

Má Huôi tất tả băng qua cầu khỉ, người má run lên theo nhịp cầu. Má ngồi thụp xuống nền đất, khóc như mưa như bấc.

Con Sáu đi rồi Út ơi! Má biết trước sau gì cũng tới ngày này mà. Má tìm mọi cách để cản nó, nhưng nó ngùn ngụt như lửa, ngày nào cũng muốn cháy phừng lên.

Chị đi làm cách mạng, để cứu dân làng mình khỏi bị hà hiếp của bọn ác ôn, má phải tự hào chứ.

Nó là con gái con đứa, chịu sao nổi gian khổ. Tới chừng đó muốn tiến không được, muốn lùi cũng không xong. Lỡ bị bắt tù đày tra tấn thiệt thân mình không nói làm gì, mà chịu không nổi khai ra bà con, anh em thì còn nhục hơn. Chưa kể má đẻ nó ra, nuôi đỏ da thắm thịt như vậy, nghĩ đến cảnh nó phải khổ cực rồi bị đòn roi tra tấn má chịu sao nổi. Chắc má chỉ có chết trước nó.

Chắc không sao đâu má. Con thấy nhiều chị thoát li vẫn về được. Mình ủng hộ chị thì chị có đường về, nghe má.
Má nguôi nguôi. Rồi má vẫn dò ra manh mối được nơi chị ở. Má đội từng thúng gạo, xách từng giỏ khoai, mua từng bọc thuốc, ủ từng hũ mắm… mang cho chị và anh em ở căn cứ La Kết. Thỉnh thoảng chị về, bữa ôm má, bữa lẻn sang ôm tôi ngủ. Mùi trái chúc trên tóc chị thoang thoảng không gian, thoang thoảng cả trong những giấc mơ của tôi sau này…
*
*    *
Ngày 16 tháng 6 năm 1965 âm lịch như thường năm, là ngày khởi đầu cúng KỳYên đình Hội An. Tôi và chị đã trải qua biết bao kì cúng đình vui vẻ suốt tuổi thơ mình. Mỗi lần đến ngày cúng này là tôi nhớ đến chị. Mấy năm nay chỉ còn mình tôi hòa theo dân làng trải qua những ngày rước sắc và hát chầu. Đột nhiên năm nay chị xuất hiện khi tôi vừa đi xe đạp tới đầu con mương Bà Cộc. Chị lôi tôi cùng xe vào lề đường, thầm thì.

– Em chở chị đi vào đình nghen.

– Ban ngày ban mặt sao chị dám ra đây?

– Đừng hỏi nhiều. Em chở chị đến đó thôi rồi quay về nhà. Ở y trong nhà, không đi đâu hết, càng không được đến đình, nghe chưa?

Tôi đưa chị tới đình. Trước khi tôi về, chị nắm tay tôi dặn.

– Nhớ nè, rủi có chuyện gì thì em nói tại chị dùng súng uy hiếp em, bắt em chở đi. Đổ hết tội cho chị nghen. Nhớ sau này trong trỏng chút thì tham gia cách mạng, không phải sống nhục sống hèn phận người mất nước.

Tôi không nghe lời chị về nhà mà quanh quẩn quanh đình, hết bạ gốc cây này đến gốc cây khác ngồi chờ. Tôi chờ mà không biết mình chờ điều gì. Những lời chị nói cứ văng vẳng bên tai tôi, không phải sống nhục sống hèn phận người mất nước. Không phải tôi không biết đau khi thấy bọn Mĩ, bọn ngụy nghênh ngang ngoài đường phố, giết người, mổ bụng, phơi xác đồng bào ta trên cầu. Ngày nào cũng có người chết, cũng có cảnh bắt bớ giam cầm. Nhưng tôi không có cái gan như chị. Tôi hãi hùng khi nghĩ đến cảnh mình bị bắt, đánh đập rồi phơi xác đến sình ương tan rã. Tôi chỉ muốn làm một người bình thường, có một cuộc sống không phải phấp phỏng lo âu.

Bỗng còi xe cảnh sát, xe nhà binh hụ còi khắp mọi ngã đường vây chặt lấy đình. Trái tim tôi lồng lên. Tôi chạy đến, loay hoay mắc kẹt chới với trong vòng người hoảng loạn. Sáu Hưởng bị bắt rồi bà con ơi? Sao bị bắt? Nó bắn xã trưởng Hoanh nhưng chưa kịp làm gì hết thì có thằng chỉ điểm. Thằng đó khai ra kế hoạch trước đó rồi. Thằng khốn nạn nào vậy? Tôi gần như phải đẩy, phải chen lấn, huých người này, xô người kia mới đến được cửa đình. Chị đi giữa đám lính, tay bị còng, đầu ngẩng cao, môi vẫn mỉm cười bình thản. Chị dịu dàng nhìn tôi. Trong mắt chị, tôi như thấy cả một bầu trời bình yên xanh thẳm vắt ngang con mương Bà Cộc, ngang cầu khỉ chiều chiều hai chị em vẫn ngồi đong đưa chân ngắm những bông súng đỏ hồng, những bông lục bình tím ngan ngát dưới dòng trôi. Và mãi sau này lên cứ tôi mới biết anh hi sinh vào buổi sáng chị bị bắt. Nhóm ba người đi nhận hàng lọt vào ổ phục kích của địch. Họ bị bất ngờ, không kịp kháng cự. Hồn anh cứ thế bay về với chị..
*
*    *
Sáu đang bị đẩy lên xe, trước cửa đình, còng số tám lấp lóa ánh thép. Anh chụp cả hai tay Sáu, nhưng cả tay cả còng như không khí tan biến trong tay. Anh  đẩy thằng lính dang ra, nhưng cả người như khối không khí ngã ùm vào khối không khí khác. Anh ôm chầm lấy Sáu dằn lại, nhưng cả người Sáu trôi tuột khỏi tay. Sáu bị lôi xềnh xệch lên xe. Cuống cuồng, anh cũng nhảy lên xe ngồi bên cạnh Sáu.

Phòng đầy lính. Một thằng ra lệnh điện về quận báo cáo ngài cố vấn là bắt được Sáu Hồng. Sáu Hồng nào? Cái thằng ngu. Mày ở xứ nào mà không biết Sáu Hồng. Chờ tới ngày nó mần thịt mày mày mới biết nó là ai hả? Con Huỳnh Thị Hưởng, con ông Đê bà Huôi đó. Nói con Hưởng thì biết. Bắt được cá bự đây. Chủ tịch Hội phụ nữ nhưng du kích hay địa phương quân gì cũng nghe nó răm rắp, thiếu điều lính Cộng hòa cũng muốn nghe theo nó luôn. Con đó suýt làm tui bỏ mạng vì cái chiêu gài lựu đạn vào thân cây rồi dán truyền đơn lên của nó. Sao bắt được vậy? Có người chỉ điểm. Nó đang chuẩn bị thịt lão Hoanh thì mình hốt đó.

Sáu ngồi điềm nhiên nghe bọn lính nói về chính mình. Sáu không có vẻ sợ. Sáu cũng không hề sợ khi thằng Xô, đồn trưởng xã Hội An và thằng cảnh sát chín ngón tới. Cũng không sợ khi bốn thằng cố vấn Mĩ to lớn dềnh dàng bước vào, mặt đỏ gay vì thứ nắng nung người miền nhiệt đới.

Có lẽ mày không cần tụi tao hỏi, mày biết tao cần mày nói gì. Giữa sống và chết, mày biết mày phải làm gì. Mày là ai tao đã rõ, nhưng mày cũng biết tao cần mày khai ra những người cùng tạo phản với mày, những kẻ lo chứa chấp bao che chúng mày.

Tao sa vào đây là tao biết tụi mày sẽ làm gì và tao phải như thế nào. Tao khẳng định mày đừng bao giờ hỏi lại nữa, tao làm tao chịu, không liên quan tới ai hết. Bất quá tụi bây tra tấn đánh đập, tra điện, dìm nước hoặc cùng lắm giết tao thôi chứ gì. Chết không có gì mới.

Hay này. Từ ngày mày quen cái thằng khố rách áo ôm học đòi kinh sử kia mày nói hay lắm. Mày muốn mới thì tao cho mày mới. Giam nó vô nhà lao đợi tao tính kế chết đẹp cho nó.

Sáu nằm trên nền xi măng lạnh, chân tay đều bị cùm. Tóc Sáu dài phủ lên vai, lên khuôn ngực vun đầy.

Cách đây không lâu trên căn cứ La Kết anh cũng thấy Sáu nằm như vậy, nhưng thoải mái hơn, tay chân dang rộng. Anh đứng ngoài cửa sổ, khẽ gọi Sáu ơi Sáu à. Sáu vùng dậy, cầm li nước cạnh giường hất tới, quát, dọa quăng lựu đạn. Anh phải giật giọng gọi Sáu mới tỉnh, mắt lóe lên niềm vui. Sáu tưởng anh là mấy chiến sĩ du kích trẻ nghịch ngợm cả đêm thay phiên nhau vào cầu hôn làm cho Sáu không ngủ được miếng nào. Anh trêu, khen mấy chiến sĩ dễ thương dữ vậy mà Sáu đuổi làm chi cho tội. Sáu xịu mặt làm bộ dỗi. Anh dỗ, hát bài Phượng cầu Hoàng của Tư Mã Tương Như mà ông Hai dạy anh cho Sáu nghe. Chim phượng, chim phượng về cố hương. Ngao du bốn bể tìm chim hoàng. Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng. Hôm nay bước đến chốn thênh thang. Có cô gái đẹp ở đài trang. Nhà gần người xa não tâm tràng. Ước gì giao kết đôi uyên ương. Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường. Sáu im lặng, nhích sát vào anh hơn. Khuôn ngực Sáu nhấp nhô theo nhịp thở. Anh thu hai tay mình lại, dù rất muốn choàng tay lên vai Sáu, muốn hôn lên tóc thơm mùi lá chúc thoang thoảng kia, muốn hôn lên cổ, lên vai lên ngực… Niềm ham muốn, thúc giục đó làm trái tim anh thắt lại. Đứng bật dậy, đi như chạy, chỉ kịp lí nhí: “Anh đi đây. Mai anh lại đến”. Anh không ngoái lại nhìn. Mãi mãi anh không biết ánh mắt Sáu nhìn theo khi đó thế nào…

Giờ anh cũng muốn chạm tay lên mắt, lên má, lên môi, lên khuôn ngực bắt đầu những nhịp thở nặng nề của Sáu. Nhưng bàn tay anh chỉ hòa lẫn vào không khí, nhập nhằng mờ ảo.

Ba ngày sau tụi nó dẫn Sáu ra ngoài.

– Mày muốn mới phải không? Đây mới nè con. Mày phải đi khắp Hội An này. Mày thấy gì kia không, người ta đang lao nhao chạy ra nhìn mày đó. Trong đó có đồng chí của mày, cha mẹ anh em mày, bà con chòm xóm, bạn bè mày, các cơ sở của mày. Chỉ cần nhìn thấy mày tụi nó cũng khiếp vía rồi, còn ai mà dám làm cách mạng hay nuôi chứa bọn mày nữa. Ngẩng đầu lên.

Bà con ở chợ người kéo theo đám dẫn Sáu đi, người lảng ra chỗ khác. Sáu ngẩng lên nhìn mọi người bằng ánh nhìn cương nghị, nói rõ ràng. “Bà con hãy yên tâm. Tui không bao giờ khai…” Sáu chưa nói dứt câu thì tên lính từ sau đạp mạnh vào lưng. Sáu ngã úp xuống mặt đường, tóc xấp xỏa.

– Mày giỏi lắm. Tao cho mày xuống hầm cá vồ khai với cá.

Tụi nó lôi Sáu đến hầm cá nước xanh dờn, nhúng xuống rồi kéo lên. Mỗi lần kéo lên Sáu tái xanh tái xám, ho sặc sụa, tóc tai rũ rượi, rong rêu, rác rưởi bám đầy người. Cả người Sáu ướt đẫm, chiếc áo bà ba ướt dính sát vào người để lộ từng nét khuôn ngực tròn trịa. Sáu vẫn im lặng. Chán, chúng kéo Sáu lên cầu Cái Tàu. Sáu đứng trên cầu, kịp nhìn dòng sông trải dài qua bao làng bao xóm, qua căn nhà thân thương của Sáu, qua những rặng dừa hàng cây mà tuổi thơ Sáu thường đu lên nhảy tùm xuống sông. Sáu kịp nhìn bầu trời xanh trong mà có lẽ đối với Sáu đẹp mãi trong lòng trước khi bị tụi lính vùi dập đòn tra tấn mới. Lần này thằng cảnh sát chín ngón có cái nhìn nhờn nhợt từng đến tán tỉnh Sáu quyết định ra tay.

Tiếng vải bị xé run trong không gian. Tiếng những người phụ nữ hét lên kinh hoàng. Ban đầu Sáu đưa hai tay đang bị cùm lên che mặt rồi hốt hoảng, vụng về che ngực mình. Nhưng sau Sáu buông tay xuống, thẳng người, ưỡn ngực nhìn thẳng vào mặt bọn lính. Thân thể trắng ngần ngọc ngà. Đôi bồng đảo no tròn tinh khôi kiêu hãnh. Anh kinh hoàng lấy hai tay mình úp lên ngực Sáu. Ngạc nhiên thấy hai tay đầy bụi phấn đủ màu lấp lánh.

Thằng chín ngón vừa tát Sáu vừa gào lên hỏi Sáu có chịu khai không. Sáu nghiêng tai, trả lời không nghe thấy gì.

– Vậy thì tao cho mày vĩnh viễn không còn nghe nữa.

Hắn điên cuồng, mắt long sòng sọc rút dao găm bên hông ra. Anh hốt hoảng nắm lấy tay nó, nhưng tay anh trượt đi, bụi phấn đủ màu bay trong không trung. Dao sổ xuống tai Sáu. Máu phun ra cùng bàn tay anh hụt hẫng lững lờ chấp chới. Quệt máu ở lưỡi dao vào quần xong hắn cười trân trân giễu cợt, dùng tay vuốt nhẹ lên má Sáu, giọng nhẽo nhợt.

– Thương quá. Tội nghiệp quá. Phải lúc trước cô Sáu nghe lời tui thì đâu ra nông nỗi này. Trời cái mặt duyên dáng mặn mòi ngày nào giờ nát bấy như vầy thiệt là thương. Còn cái này nữa, ui chèn ơi, lẽ ra phải được chồng cưng nâng niu chìu chuộng giờ thì chưng ra trước bàn dân thiên hạ như thế này.

Hắn vừa nói vừa lấy tay xoa vuốt khắp ngực Sáu. Anh dùng tất cả sức lực của mình đấm thẳng vào mặt thằng quỷ gian ác ấy. Tất cả tình thương yêu đối với Sáu, tất cả niềm căm hận đối với bầy ác ôn kia dồn vào cú đấm mà anh không tin tưởng sẽ trúng đích. Một trận gió ào ào thổi đến, xoáy tung tất cả đất cát trên cầu cuồn cuộn như lốc xoáy. Thằng chín ngón kêu lên một tiếng hãi hùng sau cú đấm của anh. Nhưng hắn không dừng lại, anh chỉ làm hắn tức giận hơn mà thôi. Đã thế Sáu còn nói thêm trời đã chứng giám cho tấm lòng yêu nước của tao. Giết tao đi. Tao chết sẽ có triệu triệu người đứng lên chống lại lũ chúng mày. Mày không giết xuể đâu. Thằng chín ngón gầm gừ, tức giận nhảy xổ lại, bàn tay cầm dao múa may quay cuồng trên ngực Sáu. Đôi bầu vú căng tròn bị rạch nát. Bầu ngực trinh nguyên má căn dặn hằng ngày con gái con đứa đừng bao giờ để đàn ông thấy ngực mình, càng không cho họ sờ. Nó chỉ dành cho chồng. Nên Sáu nâng niu gìn giữ để chờ anh, chờ ngày được tổ chức cho phép kết bạn trăm năm, được hạnh phúc trong niềm dâng hiến đầy nỗi tự hào. Và để nuôi những đứa con cả anh và Sáu đều mơ ước. Thế mà giờ đây…

Anh đau đớn chấp chới theo đường tay hắn. Những bụi phấn nhiều màu quay cuồng trong không trung. Cuối cùng, hắn nghiến răng đâm một nhát chí mạng vào cổ Sáu. Sáu gục xuống. Từng tế bào trong tim anh nát vụn. Anh đau đớn trong nỗi bàng hoàng. “ Anh vẫn còn biết đau đớn hay sao?”
*
*    *
Chúng giam chị ba ngày rồi dẫn chị đi khắp Hội An để thị uy, răn đe những người còn lại. Má Huôi run run qua cầu khỉ, níu chặt tay tôi bảo đi với má ra coi chị Sáu.

– Con lạy má. Giờ này ngay cả nghĩ đến chị thôi là con đau thắt lòng thắt dạ rồi, làm sao có thể nhìn chị bị tra tấn đánh đập.

– Ngày xưa má cấm cản con Sáu đi theo cách mạng là lo sợ ngày này. Nhưng bây giờ má không sợ nữa. Má tự hào về nó. Cho dù phải đau đớn như thế nào má cũng phải ra với nó. Đi con. Ráng lên. Trước mặt tụi nó đừng yếu hèn.

Má và tôi đi cùng chị trên khắp nẻo đường Hội An. Má nhìn chị bị nhận nước trên hầm cá vồ chết đi sống lại bao lần. Má theo chị lên cầu Cái Tàu, từng tế bào trên mặt má đau đớn theo từng cú đạp, cú đá, từng nhát dao đâm vào người chị. Ở đó tôi gặp con bướm thật to, màu sắc sặc sỡ, quẩn quanh bay lượn không rời. Khi chị bị bọn nó xé toạc áo, phơi ngực trần giữa cầu, con bướm xòe to đôi cánh đậu vào ngực chị. Khi thằng cảnh sát khốn nạn chín ngón ngày xưa gạ gẫm đe dọa sàm sỡ vuốt ve ngực chị, con bướm đâm thẳng vào mắt hắn. Khi chị bỏ má và tôi đi về cõi khác con bướm bay lượn vòng quanh, rồi bay đến đậu trên vai má.

Má nhìn về phía bọn lính, ánh mắt vượt trên cả đau đớn, căm thù. Bọn lính rúm ró trước cái nhìn của má. Những người phụ nữ xung quanh ôm mặt khóc nức nở. Mắt má ráo hoảnh. Bụi phấn trên cánh bướm rơi ra bay khắp Hội An.
*
*    *
Má không khóc khi tiễn tôi và bốn người con còn lại của má vào cứ. Tôi cắm đầu đi, không dám ngoái lại nhìn. Sau lưng là bóng má cùng đôi bướm quấn quýt nhau bên cây cầu khỉ vắt ngang mương Bà Cộc…

Tác Giả : Trương Thị Thanh Hiền / BTV Hoàng Hiệp / Giọng đọc: Vân Anh

Thu Gọn Nội Dung

Audiobooks trướcBơ Đi Mà Sống – Mèo Xù
Audiobooks tiếp theoSuối Miền Xía – Vũ Xuân Tửu
Lưu Ý: Thông tin về những phát thanh viên của vov bạn thấy trên website chỉ là thông tin do chúng tôi thu thập được. Những Phát thanh viên, Nghệ sĩ trên "KHÔNG" công tác, làm việc và viết bài trên website RadioPlus.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here