Home Radio online Đọc truyện đêm khuya Hoa Vàng Ở Lại – Nguyễn Thị Việt Nga

Hoa Vàng Ở Lại – Nguyễn Thị Việt Nga

711
0

Nghe đọc truyện đêm khuya – Ấn tượng đầu tiên khi đọc truyện ngắn này là cái tên rất gợi. “Hoa vàng ở lại”, nghe qua đã thấy lãng mạn, rực rỡ, đã thấy phảng phất phong vị của kí ức, như thể tác phẩm sẽ là một câu chuyện “đưa em tìm động hoa vàng”, đưa em vào cõi Thiên Thai, vào xứ mộng, xứ mơ… nhưng tác phẩm lại là một sắc thái hoàn toàn khác. Không có lãng đãng mộng mơ, không có bảng lảng yêu đương. Truyện ngắn này, nếu có mộng, thì hẳn là… “vỡ mộng”. Truyện viết về Tân, một sinh viên tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại Khá, không xin được việc ở bất cứ cơ quan nào, đành bám trụ thủ đô bằng công việc phục vụ trong cửa hàng photocopy. Thất vọng, hi vọng, vui buồn, đau khổ… cũng từ đó mà sinh ra….


Cuối giờ, Tân dọn dẹp cửa hàng trước khi đóng cửa.

Vào làm thuê ở đây đã nửa năm, anh quá quen với công việc. Với một kỹ sư tin học như Tân, việc phục vụ trong cửa hàng photocopy này quá đơn giản về mặt kỹ thuật, nhưng lại áp lực về mặt thời gian. Luôn chân luôn tay. Lắm khi bận quá, quên cả việc dừng tay uống cốc nước. Tới khi rã rời kéo cánh cửa xếp nặng trịch khóa lại để nghỉ trưa, mới thấy cổ họng mình khô cháy; mới nhớ cả buổi sáng không uống một chút nước nào. Riêng việc được vào làm thuê ở đây cũng là sự may mắn chua chát đối với Tân. Tốt nghiệp đại học chính quy với mảnh bằng loại khá nhưng anh không thể xin được việc ở bất cứ cơ quan nào. Bao nhiêu bộ hồ sơ đã nộp. Bao nhiêu hôm rạc cẳng đi gõ cửa hết chỗ này đến chỗ kia. Câu trả lời ở đâu cũng giống nhau: hiện giờ chưa có nhu cầu thêm người. Cứ để hồ sơ ở đây, nếu cần chúng tôi gọi. Tân không thể chờ cái “nếu cần” ấy mãi được trong khi tiền vẫn phải tiêu, cơm vẫn phải ăn, nhà vẫn phải trả tiền thuê và bố mẹ ở quê thì không thể nào chu cấp thêm được nữa. Thậm chí ông bà còn hân hoan nghĩ rằng đã qua những tháng năm mình thắt lưng buộc bụng, vay mượn tứ bề để nuôi con đi học đại học rồi. Giờ con ra trường là lúc nó đi làm kiếm tiền, báo hiếu hai thân già xơ xác. Một cô bạn học cùng đại học đã giới thiệu Tân đến đây làm thuê tạm thời, kiếm đồng ra đồng vào trong lúc chờ xin việc… đúng với năng lực! Cửa hàng này của chị họ cô ấy. Cô ấy may mắn hơn Tân, được sinh ra trong một gia đình mà nói theo cách nôm na bây giờ là bố mẹ đều “làm sếp” nên chuyện công ăn việc làm sau khi ra trường là điều không phải nghĩ. Chính cô ấy cũng đã từng xui Tân rằng cần gì phải vào cơ quan nhà nước, cứ mở một cửa hàng máy tính hay dịch vụ tin học cũng được. Cách tính của cô bạn không phải Tân không có lúc nghĩ đến. Nhưng muốn mở cửa hàng gì thì cũng phải có tiền, thậm chí nhiều tiền, trong khi túi Tân lúc nào cũng rỗng, được bữa nay lo bữa mai thì mơ mộng viển vông làm sao được. Cả hai họ nội ngoại nhà Tân đều mười đời làm nông dân nghèo. Vậy là Tân tặc lưỡi đi làm thuê, cho dù cũng có lắm lúc gợn lên nỗi chua xót về mảnh bằng đại học được tạo ra bằng sự chật vật của cả gia đình trong 4 năm trời đằng đẵng. Tiền làm thuê, ơn giời cũng đủ sống một cách tiết kiệm tối đa. Thi thoảng Tân cũng có gửi được cho mẹ vài đồng gọi là, coi như một cách báo cáo với các đấng sinh thành rằng con vẫn còn sống, vẫn đi làm và vẫn đang là đứa con chí hiếu.

Cửa hàng photo mà Tân làm thuê nằm ở vị trí rất đắc địa. Bên kia đường là Ủy ban nhân dân thành phố. Xa hơn chút là một trường đại học. Xung quanh có tới 4 cơ quan. Nghĩa là nhu cầu photo rất lớn. Thôi thì đủ thứ giấy tờ, từ hồ sơ, sổ sách, chứng nhận nhà đất, công văn, giấy mời cho đến giáo trình và “phao” thi… Cửa hàng ăn nên làm ra nên Tân cũng bận tối mắt tối mũi, có hôm 10 giờ đêm vẫn còn bấm máy xòe xòe. Ngoài Tân ra còn có thêm 3 cậu chàng choai choai và 2 cô bé nữa. Nhưng đứng máy nhiều nhất vẫn là Tân, vì có trình độ nhất, lại tự sửa chữa được mỗi khi máy móc có vấn đề gì trục trặc nhỏ.

Anh-minh-hoa---Hoa-vang-o-lai

Sáng nay, tất cả tụi nhỏ kia đều nghỉ. Đơn giản chúng đều là con cháu của chị chủ cửa hàng. Chị chủ nay tổ chức lễ đính hôn cho cô con gái lớn, bọn chúng về nhà chị để giúp việc và dự luôn. Còn Tân, chị bảo chịu khó vẫn ra cửa hàng. Bởi vì mình đang đông khách, chỉ cần đóng cửa một hôm là khách người ta chán, có khi mất khách ruột luôn vì khi người ta cần mình lại không có. Thế là Tân kiêm tất tần tật mọi việc trong một ngày. Mọi khi việc dọn dẹp cửa hàng không phải là của cậu, mà của cô bé Lan. Con gái vừa tỉ mỉ, vừa khéo tay, chứ không vụng về như con trai.

Bàn tay đang vuốt vuốt cho phẳng những bản photo hỏng bị vo viên ném trong sọt giấy lộn của Tân bỗng khựng lại. Nét chữ con gái rất mềm và rất đẹp… Nhưng không phải Tân bàng hoàng vì nét chữ mềm và đẹp ấy, mà là vì nội dung mảnh giấy: “Bố mẹ ơi! Con xin lỗi bố mẹ! Con bất hiếu nên đi trước. Đời con đã đến ngõ cụt rồi…”. Mắt Tân hoa lên nhưng rồi cậu cố trấn tĩnh đọc tiếp. Một lá thư tuyệt mệnh dài, nhưng bản hỏng trong tay Tân chỉ là một trang giấy A4, nét chữ viết rất cẩn thận, đôi chỗ còn ngập ngừng, chứng tỏ chủ nhân đã suy nghĩ mông lung lắm trước khi đặt bút chứ không phải viết liều trong lúc đang hoang mang, tuyệt vọng. Tân cố nhớ. Đầu giờ sáng, có một cô gái đến đây. Hình như cái mảnh giấy photo hỏng này là của cô ấy! Một ngày, cửa hàng có biết bao nhiêu khách, và Tân cứ mải miết làm như một cái máy, lắm khi còn chẳng ngẩng lên nhìn khách mà chỉ nhìn tập tài liệu họ đưa. Đơn giản vì việc của Tân chỉ là photo. Việc mời chào hỏi han hay tính tiền, thu tiền là của người khác. Thế nhưng, hôm nay cửa hàng chỉ có một mình Tân nên Tân có nhìn đến khách hàng. Có điều khách hàng vào ra trong một buổi sáng thì nhiều lắm. Cô gái Tân nhớ láng máng và đoán là chủ nhân của mảnh giấy này hình như có đôi mắt rất ấn tượng. Một đôi mắt đẹp nhưng buồn thăm thẳm, và loáng ướt. Lúc đó Tân đã nghĩ nhanh: mắt này thì đời đa đoan, khổ lắm đây! Ý nghĩ đó chỉ thoáng lướt qua. Tân photo cũng không kịp nhìn kỹ tờ giấy mình photo là cái gì. Chỉ biết bản in đầu tiên ra, giấy đặt không ngay ngắn nên hơi bị lệch. Rất nhanh Tân vo viên tờ giấy photo hỏng, vứt vào sọt, chỉnh lại khay giấy, in tiếp và giao cho khách hàng.

Cô ấy là ai? Có phải chủ nhân của lá thư tuyệt mệnh hay không? Tại sao lại phải mang thư tuyệt mệnh đi photo? Đó là những lời trăn trối thực lòng, hay một trò đùa? Hay một phần của tác phẩm văn học nào đó? Hay là… Các câu hỏi cứ quay trong óc Tân suốt buổi trưa khiến cậu không thể nuốt được bát cơm nấu vội, cũng không thể chợp mắt được chút nào. Đôi mắt của cô gái đến photo ban sáng cứ hiện lên ám ảnh. Biết đâu cô ấy chính là người viết lá thư tuyệt mệnh này? Biết đâu cô ấy đang đi tìm đến cái chết? Tân hoảng hốt trong ý nghĩ này nhưng ngay lập tức lại cười nhạo báng mình. Đúng là rõ vô duyên. Chưa biết đến đầu đến đũa chuyện gì đã hoảng lên như một mụ đàn bà yếu bóng vía. Ai hâm mà mang thư tuyệt mệnh đi photo. Photo làm gì cơ chứ? Trông cô ấy có vẻ buồn buồn thôi chứ đâu có vẻ của người đang đi tìm cái chết? Cứ mải đoán định việc của thiên hạ thế này, có khi chính mình cũng bị tâm thần mất thôi.

l

“Úi giời ơi, anh Tân ơi, anh biết chuyện gì không?”, sáng sau chưa kịp đặt chân vào hẳn cửa hàng, cái Lan đã hập hồi nói dồn. Tân không lạ gì tính con bé nên đủng đỉnh đưa cốc trà xanh lên mũi hít hà cái hương thơm tinh tế loang trong khoảnh khắc sớm thu mát mẻ rất tuyệt vời. Thấy Tân không nói gì, con bé trợn mắt: “Anh không biết gì thật ấy à? Tự tử! Ngay công viên ấy, ngay bên cạnh nhà cô Hoa ấy”. Cô Hoa là chị chủ cửa hàng photo. Ngôi nhà 4 tầng rất to và rất đẹp của chị nằm đối diện công viên thành phố, nơi có cái hồ cũng rất to và rất đẹp.

Nghe đến đấy, Tân giật nảy người. Tự dưng nghĩ về lá thư tuyệt mệnh photo bị hỏng sáng qua và cặp mắt rất buồn của cô gái.

“Cái gì? Ai tự tử? Làm sao mà tự tử?”. Nghe Tân hỏi lạc cả giọng, con bé Lan khoái chí vì thông tin của nó đã được tiếp nhận nhiệt tình. Hiếm khi nó thấy Tân quan tâm đến chuyện gì với thái độ sốt sắng rõ ràng như thế.

“Một cô tự tử ngoài công viên. Ba mươi mốt tuổi. Nhảy xuống hồ lúc tối hôm qua. Giờ vẫn chưa tìm thấy xác đâu cả. Bao nhiêu người đang tìm loạn lên ở hồ ấy. Giày với lại túi xách vẫn ở trên thuyền thiên nga. Khiếp quá đi mất, bỗng dưng lại tự tử. Giờ thì em sợ lắm, em không ra công viên đi bộ với lại ngắm hoa nữa đâu”.

Có chắp nối hết những câu giật gân của Lan thì Tân vẫn chỉ lõm bõm về vụ tự tử. Chỉ đến khi chị Hoa chủ cửa hàng ra thì Tân mới rõ hơn. Tối qua, có một cô gái ra công viên, vào thuê một chiếc thuyền thiên nga. Thế rồi nửa đêm, khi mọi người chơi công viên đã ra về hết, nhân viên cho thuê thuyền kiểm đi kiểm lại vẫn thấy thiếu một thuyền thiên nga. Họ đi tìm, chỉ thấy chiếc thuyền không người dật dờ giữa hồ. Chèo thuyền ra tận nơi thì thấy thêm: trong lòng thuyền có một đôi giày phụ nữ và một túi xách nữ màu đen. Trong túi xách có một bức thư tuyệt mệnh, nói rằng do quá tuyệt vọng về cuộc sống đau buồn không lối thoát nên cô gái ấy tìm đến cái chết. Công an được mời đến. Đội thợ lặn chuyên nghiệp cũng được mời đến ngay trong đêm. Nhưng quần thảo đến tận sáng nay vẫn chưa thấy tăm hơi gì cả… Hiện tại, cả đội thợ lặn, cả công an vẫn đang ở ngoài hồ…

Nghe đến đâu, mặt Tân tái mét đến đó. Tái đến nỗi chị Hoa kêu lên: Thằng này còn nhát gan hơn con Lan. Nghe đến người chết là mặt cắt không còn giọt máu. Chắc mày sợ ma nhất hạng. Ồn ào một lát, khi có khách đến thì lại ai vào việc ấy răm rắp. Có điều, câu chuyện cả chủ lẫn khách bàn tán suốt ngày hôm đó chủ yếu là vụ tự tử ngoài công viên. Đội thợ lặn vẫn chưa tìm được xác. Công an đã tìm ra gia đình người tự tử. Gia đình chỉ gồm hai bố mẹ già. Ông bà cũng mang ra cho công an lá thư tuyệt mệnh y như lá thư cô ấy để lại trong túi xách trên thuyền. Lá thư tuyệt mệnh được photo làm hai bản… Suốt cả ngày, đầu Tân đau như búa bổ còn thần sắc thì như một cái xác không hồn. Tờ photo hỏng của lá thư tuyệt mệnh hôm trước vẫn còn trong túi áo của Tân. Có lẽ nào chính là cô gái ấy? Lời bàn tán của mọi người ra vào quán như những mũi khoan xoáy vào đầu Tân. Cô ấy tốt nghiệp đại học nhưng mãi không xin được việc. Cô ấy đã lấy chồng và có một con nhỏ nhưng cũng đã ly hôn chừng một năm nay. Ông chồng hay mắng vợ là đồ ăn bám nên cô ấy không thể chịu đựng nổi. Ly hôn xong, đứa con chưa đầy 5 tuổi được tòa xử cho bố nó nuôi. Bởi vì cô ấy không công ăn việc làm nên không có điều kiện để nuôi con… Hình như nghe đâu ông chồng cũ cũng đã kịp lấy vợ mới rồi! Dại thế không biết! Nhiều người chép miệng nhẹ tênh. Tại sao mà phải chết cơ chứ. Bỏ chồng này thì kiếm chồng khác. Không được nuôi con này thì đẻ con khác mà nuôi. Mình còn bố mẹ già cần mình cơ mà. Đời còn rất dài cơ mà. Bao nhiêu người bệnh trọng vẫn muốn được sống mãi cơ mà. Mình đang còn trẻ trung, khỏe mạnh, làm sao mà phải chết?

Làm sao mà phải chết? Câu hỏi đau đớn ấy bỗng dưng cứ bám riết lấy đầu Tân, như thể giữa cậu với cô gái kia có mối liên hệ gì mật thiết lắm. Làm sao mà phải chết? Liệu có ai, ngoài cô gái ấy biết được nguyên nhân phải chết của cô không? Tân cũng đã từng trải qua những tháng ngày cùng cực khi tiền trong túi không có lấy một xu, lê gót mỏi mệt khắp nơi xin việc. Cái ánh hào quang của tấm bằng đại học của cậu học trò nghèo quê xa tan nhanh khi bước chân ra khỏi cổng trường đại học. Sự tuyệt vọng khi thấy mọi cánh cửa trước mắt mình đều đóng lại, mọi nẻo đường đều không có lối cho mình mới khủng khiếp làm sao! Lắm đêm nằm nuốt nước mắt trong nhà trọ rẻ tiền, nghe muỗi vo ve xung quanh, trong đầu Tân đã vang lên câu hỏi: Tại sao lại đến nông nỗi này? Tại sao mình có kiến thức, có bằng cấp, có sức khỏe, có đạo đức và có khát vọng được làm việc, được cống hiến mà lại thành kẻ vô dụng, vô thừa nhận thế này? Tại sao? Cũng đã có lúc cậu thoáng nghĩ đến cái chết, đến một giấc ngủ dài vĩnh viễn để không phải lo buồn, không phải dằn vặt nữa. Nhưng cậu là đàn ông. Mọi ý nghĩ yếu mềm bị gạt đi nhanh, chỉ còn nỗi trống rỗng và chua chát. Ngay giờ đây, mỗi tháng làm thuê, số tiền cậu kiếm được nhiều gấp đôi những đứa bạn vào làm cơ quan nhà nước, nhưng rồi nó vẫn khiến cậu cứ có cảm giác tủi hổ vô cùng. Bốn năm trời bố mẹ đầu tư cho thằng con học giỏi nhất xã đi đại học, tưởng để sau này con làm nên công trạng gì, ngờ đâu cũng chỉ đâm đầu làm thuê như những đứa chưa từng tốt nghiệp phổ thông. Sống lắt lay không mục đích như thế này đến bao giờ nữa? Câu hỏi ấy, Tân không thể trả lời. Nếu sống chỉ là tồn tại, thì như thế này cũng đã là tàm tạm. Nhưng rõ ràng sống không bao giờ chỉ là tồn tại, nhất là đối với một thằng người đã từng nuôi bao khát vọng như Tân.

Hết giờ làm việc, Tân ra công viên. Nghe nói chiều nay người ta đã vớt được cô gái xấu số kia và bàn giao cho gia đình mang về an táng. Công viên không còn cảnh người vô công rỗi nghề xúm đen xúm đỏ quanh hồ nữa. Mọi thứ lại trở về vẻ yên bình vốn có. Mặt hồ xanh veo, phẳng lặng đến thản nhiên, như chưa từng có nỗi tuyệt vọng cùng cực vừa gieo xuống cách đây ít lâu. Như chưa từng xóa đi sự có mặt của một sinh linh trong cõi trần gian này. Những chiếc thuyền thiên nga vẫn bập bềnh trên sóng. Những đôi tình nhân vẫn dập dìu bên nhau. Tân mỏi mệt ngồi xuống một ghế đá ven hồ. Mảnh thư tuyệt mệnh photo hỏng của cô gái hôm qua vẫn bỏng rát trong túi áo nơi ngực trái. Có phải là cô gái ấy không? Có phải là lá thư ấy không? Không biết nữa. Nhưng rõ ràng có một con người vừa mới lìa đời vì tuyệt vọng ở nơi đây. Có một con người không thể tìm cho mình đường sống, cho dù vẫn đang sống giữa cộng đồng. Có một con người đã dại dột gieo mình xuống làn nước trong xanh kia, bởi vì tất cả mọi người xung quanh, chẳng ai cho cô một cơ hội để khôn ngoan, để mà sống tiếp. Tân hoang mang nhìn xung quanh. Mọi thứ bỗng đột nhiên trở nên xa lạ vô cùng, như thể cậu vừa trôi dạt từ kiếp nào tới đây. Con đường đông đúc xe cộ kia. Những đôi tình nhân đang dập dìu bên nhau kia. Những cụ già chậm rãi đi bộ thể dục kia. Lũ trẻ hiếu động đang nhảy một điệu nhảy vui mắt trên nền nhạc sôi động kia… Tất cả đều xa lạ biết bao. Mảnh thư tuyệt mệnh vẫn bỏng rát trong ngực. Tại sao lại có những cái chết tức tưởi đến nhường kia? Hôm nay, cô gái ấy đã hết đường trần, đã chấm dứt mọi đớn đau, tuyệt vọng. Nhưng còn biết bao người đang sống trong đớn đau, tuyệt vọng? Còn biết bao người đang âm thầm vạch cho mình một con đường để chấm dứt những đớn đau, tuyệt vọng theo cách mà người đời vẫn cho là dại dột. Đơn giản là vì không ai giúp họ được khôn hơn! Cái chết là lựa chọn tiêu cực. Nhưng khi nó là lựa chọn duy nhất mà người ta có được thì sao?

Đang lúc hoang hoải nhất, mắt Tân chợt chạm những đóa hoa vàng bé bỏng nở rạng rỡ trên thảm cỏ ven hồ. Những bông hoa vàng xôn xao trên màu xanh an nhiên bất tận của cỏ mềm. Cậu thấy lòng dịu lại. Những hoa vàng như những chấm nắng nhỏ nhoi, kịp gieo vào Tân một nỗi dịu dàng khó tả. Dưới những gót giày thản nhiên vô ý, cỏ vẫn xanh và hoa vàng vẫn nở. Nở chẳng cho ai và cũng chẳng vì ai. Nở chỉ vì mình là hoa nên cần phải nở, cần phải rạng rỡ hết mình dẫu một đời hoa có thể chẳng ai nhìn đến, chẳng một ánh mắt đoái hoài. Những đóa hoa vàng kiên nhẫn nở truyền cho Tân nỗi an ủi kịp thời…

24.10.2016
(Sở VH-TT-DL Hải Dương)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 430

Tác giả: Nguyễn Thị Việt Nga

Thu Gọn Nội Dung

Audiobooks trướcBlog Radio 09: Mẹ
Audiobooks tiếp theoHoàn Châu Cách Cách – Quỳnh Dao – Update Chương 19
mèo con có sở thích nghe truyện, blog radio. truyện đêm khuya phát trên sóng Fm và mèo con muốn chia sẻ những truyện audio hay mà google đã được nghe và sưu tầm được tới thính giả của RadioPlus.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here