Home Radio online Đọc truyện đêm khuya Mưa ở Lung Năn – Trần Huy Minh Phương

Mưa ở Lung Năn – Trần Huy Minh Phương

425
1

RadioPlus.vn – Đà Ra đi học trên tỉnh và ở kí túc xá. Còn Phơ Liêng đi làm trong xưởng bánh nên ở trọ. Chiều cuối tuần nào hai người cũng gặp nhau. Câu chuyện cứ chảy ra dài mãi như phù sa của sông, rạch bên xóm Lung, như cái nắng thơm dài trên ngọn dừa.

“Chắc là anh sẽ dọn về đây ở cho vui!” – Đà Ra vừa nói vừa cười cười. Phơ Liêng làm mặt nghiêm: “Ai cho anh ở chứ? Mà dù có cho thì anh cũng không đủ tiền đóng trọ đâu”. Đà Ra chợt gãi gãi đầu. Mái tóc của anh vốn đã quăn lại thấy thêm quăn hơn nữa. Phơ Liêng bịt miệng mà cười chọc quê: “Anh sắp thành thầy giáo mà làm bộ dáng khó coi như vậy, người ta cười cho. Tập chững chạc và ra vẻ nhà mô phạm đi anh ơi!”. Đà Ra lại cười. Thây kệ người ta, miễn sao Phơ Liêng hiểu cho anh là được.

Ngồi ghế đá công viên, hai người nhắc lại chuyện hồi Đà Ra còn ở chùa ôm bát đi khất thực. Anh lại giảng giải như thầy giáo và Phơ Liêng im nghe như cô trò bé nhỏ dưới tán cây xanh xoà bóng mát. Chợt Phơ Liêng hỏi: “Đà Ra nè, có phải người con trai nào trong phum sróc cũng phải vào chùa tu từ một tháng cho đến hết đời?”. “Ờ, còn như lúc nào muốn trở về nhà thì xin ra, gọi là “Sark”, hoặc muốn ở chùa tu suốt đời cũng được. Ai đã về nhà rồi mà quay trở lại tu nữa cũng được đón tiếp như thường. Ai cũng phải đi tu”. “Nếu người nào không đi tu thì sao hở anh?”. “Người nào không đi tu sẽ bị đồng bào coi thường, cho là kẻ không có Phật tính, không hiểu đạo lí ở đời”.

Đà Ra cũng như bao trai trong phum, lớn lên thì phải vô chùa xuống tóc tu báo hiếu cha mẹ. Anh từng có ước mơ được đứng trên bục giảng để dạy hết trẻ em trong phuôm, không để chúng bị thất học. Anh mong ai cũng biết chữ, làm toán để mở mang kiến thức và làm kinh tế giỏi. Ước mơ ấy lớn dần từ những năm 16, 17 tuổi, hồi Đà Ra còn ở chùa là sadi.

Lần nọ, Phơ Liêng thay mẹ ra dâng cơm, đúng lúc Đà Ra đang đi bát đứng đợi trước nhà. Không biết hai tay của Đà Ra luống cuống thế nào mà bình bát rơi xuống đất. Cơm trắng vãi tứ tung. Đà Ra lặng thinh quay về chùa chịu phạt. Sau khi dọn dẹp cơm đổ thì Phơ Liêng cũng bị mẹ phạt. Nhưng cái bị phạt của hai người đến lúc này vẫn chưa ai kể cho nhau nghe.

Rồi Phơ Liêng cũng kể, bữa đó mẹ em giận lắm, bà hắng giọng bảo chắc mầy dâng cơm cho sư mà hai tay đụng bình bát hay là ấn mạnh thức ăn vô bình bát nên làm bát rơi phải không? Mày có bỏ dép đi chân không không vậy? Dạy hoài mà hổng chịu để ý nghe gì hết trơn. Mẹ cha hổng có ở nhà, nhờ có chút xíu việc mà cũng làm không xong. Mất hết phước. Cơm trắng rơi rụng tùm lum vầy là chết chắc. Có ngày ăn giòi đó, con ơi!

Lúc đó Phơ Liêng chỉ biết thút thít khóc và cứ mãi rấm rứt.

Chợt, Phơ Liêng chuyển câu chuyện:

– Cuối tháng rồi, anh về nhà cho em nhắn với cha mẹ…

– Anh về không được đâu” – Đà Ra cắt ngang.

– Sao vậy? Anh hết tiền đi về xe à? Vậy thì đi xe đạp!

– Cũng không được, xe đạp anh bị hư rồi!

Nghe đến đây Phơ Liêng chợt lắc đầu rồi thở dài. Phơ Liêng buồn cho cái cảnh khó của Đà Ra. Mà cũng dễ thôi, trong lúc này Phơ Liêng đưa cho anh một ít tiền là anh sẽ về tới nhà. Gì chứ việc Đà Ra mượn tiền của Phơ Liêng thì đây không phải lần đầu. Cả hai đã quen rồi. Cứ mỗi lần Đà Ra mang tiền trả thì Phơ Liêng nói gọn chỉ cần anh đạp xe chở đi một vòng chợ, rồi hóng mát ở công viên hoặc ngồi dưới tán lá cây thốt nốt ở chùa là hết nợ. Cứ thế, tình cảm của họ nhóm dần thêm ngọn lửa mới.

*

NaRy, người bạn cùng phòng trọ với Phơ Liêng, nhiều khi hờn trách nói mát Phơ Liêng hay ăn hiếp bạn không ai bằng. Vì mỗi lần Đà Ra đến tìm thì Phơ Liêng buộc NaRy ra ngoài phòng canh cửa như sợ điều gì đó. Rồi khi Đà Ra chở Phơ Liêng đi chơi cũng buộc NaRy phải đạp xe theo. Cái tính của NaRy lâu nay chưa biết sợ điều gì, giờ theo hai người đi chơi miết không ngờ cơ thể ngày càng mập mạp ra, bởi khi đang yêu họ ít ăn uống mà mãi cứ nhường cho người thứ ba là bạn NaRy thân ái.

Thêm một chiều cuối tuần nữa, Đà Ra về nhà vẫn chưa lên trường, nét buồn lo hiện rõ trên khuôn mặt Phơ Liêng. NaRy rủ Phơ Liêng đi chợ để nấu món gì đó, nhưng NaRy chỉ nhận được thái độ ơ hờ và nét mặt không cảm xúc của Phơ Liêng. NaRy rủ bạn đi chơi, làm mọi cách để cho bạn hết buồn nhưng cái buồn, nét u uất cứ vương vấn mãi trên gương mặt ấy. NaRy lấy cái khăn quấn lại như trái banh có chiếc đuôi lòng thòng ném về phía Phơ Liêng làm như trò chơi Chôl Schuông. Rồi NaRy cất giọng hát: “Ôn bos schuông tâu / Schuông chop chông đôn / Com lơ schua chrôn / Chăm chap schuông ôn!” (Em ném schuông đi / Schuông dính đọt dừa / Chàng trai đứng ngóng / Chờ bắt schuông em!). Đúng lúc đó Phơ Liên lại ném trả chiếc khăn về phía NaRy. Họ bắt khăn rồi ném khăn trả về phía nhau hoà cùng nhịp hát: “Bon chôl schuông tâu / Tơs chông son ke / Minh bach âu mec / Tơs ôn rôm tê?” (Anh ném schuông đi / Đụng ngọn trâm bầu / Không cần cha mẹ / Em có chịu không?).

Đến lúc này thì Phơ Liêng mới nhoẻn miệng cười nhưng vẫn cứ nằm trên giường mơ màng. NaRy thấy phòng trọ chật chội này như đã bớt phần ngột ngạt. Bỗng gió kéo ràn rạt trên mái tôn, cái se lạnh của màn mưa sắp về, mây đen che kín bầu trời. Cơn mưa trái mùa ập xuống nhanh. Mưa lúc này không làm cho Phơ Liêng háo hức xuống giường ra sân ngắm mưa như mọi lần. Phơ Liêng cứ úp mặt xuống gối nằm im như người bệnh nặng.

“Phơ Liêng à, mày đừng nghĩ tới Đà Ra nữa. Thấy mày thật thà anh ta chỉ lợi dụng mà thôi! Mày không tin à? Vậy mày thử nghĩ coi, Đà Ra nói thương mày mà sao không chìu mày. Mày muốn đi coi hát dù kê thì anh ấy nói dù kê xưa lắm, coi dễ buồn ngủ. Còn lúc mày đòi đi coi Hội đua ghe ngo anh ta lại nói đội ghe ngo của chùa Lung Năn mình rất tệ, năm nào bơi đua cũng thua…” – Cứ mặc cho NaRy nói một mình, Phơ Liêng giả vờ ngủ. Ngủ nhưng Phơ Liêng lại rơi nước mắt. Không phải đang nghĩ tới Đà Ra đâu, Phơ Liêng đang nhớ nhà, nhớ luôn cái vùng đất Lung Năn. Cái nhớ đó được bắt đầu từ chỗ ngã ba, nơi có cây cầu ván không tay vịn. Ở đó thơm dẻo mùi cốm dẹp gọi nhau khi mỗi mùa Oóc-om-bóc về, gió chướng lồng lộng khắp cánh đồng. Lúc này hạt lúa bắt đầu nảy mầm, và khi trái gòn khô trên cây, nứt vỏ bay bông trắng nhẹ cũng là lúc bước vào mùa gặt rộ.

*

Đà Ra về nhà định lên trường sớm nhưng lại gặp vụ làm giấy tờ đất đai. Bên Uỷ ban xã đo đạc lại đất ruộng từng khẩu một, rồi sẽ cấp bằng khoán. Vậy là Đà Ra phải đi lên đi xuống Uỷ ban xã nhiều lần. Ở nhà chỉ mỗi Đà Ra là có nhiều chữ.

Muỗi vo ve bay trong tối mà Đà Ra thì cứ mãi ngồi nghĩ mông lung ở mé sông bên nhà. Trăng vẽ một đường cong như lưỡi liềm và dát vàng lấp loá trên sông vắng. Gió mát rượi từ dưới sông lên thơm cả mùi bùn sình mà Đà Ra khó dứt lòng bỏ vô nhà ngủ lúc này được. Anh lại nghĩ về việc học hành và tương lai. Anh chợt nhớ Phơ Liêng. Đà Ra từng nghĩ có thật rằng tình cảm giữa hai người có phải là tình yêu đôi lứa hay không! Nhiều lần Đà Ra tự vấn mình như vậy. Nhưng vì lời hứa của mẹ cha nên anh phải dằn lòng.

Còn nhớ bữa nọ Đà Ra với Phơ Liêng đi chơi, cả hai cưỡi trên chiếc xe đạp cũ kĩ khô nhớt mà lòng cứ như trẩy hội. Đi loanh quanh thị xã rồi bỗng rẽ ngoặt vô chùa, có lẽ thói quen của Đà Ra mà, vì anh từng đi tu. Hai người dẫn xe, tháo nón bỏ vô giỏ xe rồi thủng thẳng bước vô sân chùa. Đà Ra chỉ Phơ Liêng ngồi bên băng ghế đá có tán cây thốt nốt cao, mát lắm! Hai người tâm tình như hai người bạn thân thì đúng hơn.

– Anh nè, nếu mai này mình về sống chung với nhau, mà lỡ em sanh muộn hoặc không sanh được cho anh em bé thì anh có còn thương yêu em không?

– Sao em nói kì vậy! Yêu nhau đâu cứ phải bắt buộc người khác theo ý mình. Còn việc có con thì ai cũng có mà, sao em lại nói gở vậy? Mà nếu có chuyện đó thì mình cũng vẫn yêu thương nhau như lúc đầu. Em lo xa quá!

– Nhưng nói thì dễ ợt còn làm mới khó anh à!

– Đang nói chuyện vui mà sao em nói chuyện lòng vòng gì đâu không hà. Bữa nay em ngộ thiệt! Thôi, mình về đi em!

Họ dắt nhau về sau câu chuyện bỏ lửng đó.

Đà Ra tuy miệng nói vậy nhưng lòng cứ ám mãi câu nói của Phơ Liêng. Anh thích con nít. Anh yêu chúng. Anh thèm tiếng khóc, tiếng cười của chúng biết bao. Anh từng hứa với lòng là khi nào ra trường, làm việc lãnh tháng lương đầu tiên anh sẽ tặng hết cho Phơ Liêng như một món quà tri ân.

*

NaRy được tin cha mẹ nhắn về. Nhưng NaRy không muốn về, vì biết thế nào mẹ cha cũng ép lấy chồng. Mà đó giờ NaRy quen với cái chữ rồi, quen với những việc nghĩ suy, làm việc bằng trí não. Việc đồng áng sẽ rất khó quen với cô gái ấy. Phơ Liêng quay sang NaRy, nói như giảng giải, rằng lời cha mẹ như lời Phật dạy. NaRy đừng có mà đòi chín trước hườm. Người Lung Năn trước giờ có ai bỏ xứ đâu. Họ đi đâu, làm gì rồi cũng về quê mà làm ăn, vui sống trên mảnh đất đã sinh họ ra. Phơ Liêng cũng nghe Đà Ra từng nói là tốt nghiệp sư phạm xong, anh sẽ về quê mình dạy học. NaRy cũng sắp ra trường rồi, ngành kinh tế với bao hoài bão mở công ti của NaRy còn mấy tháng nữa sẽ thành hiện thực. NaRy đang ráo riết với luận văn tốt nghiệp, không thèm bận tâm việc phải về quê nghe lời mai mối cưới gả cho Việt Kiều. NaRy muốn được bay bổng với chính bản thân mình, dùng cái chữ nghĩa đã học để sống sao cho xứng là con người rồi để còn báo hiếu mẹ cha nữa… Những ý nghĩ đó NaRy luôn giấu kín trong lòng, tuy bên ngoài thì lúc nào cũng cười nói ra vẻ vô tư với bạn.

Phơ Liêng dù nói vậy, NaRy vẫn làm mặt tỉnh bơ. NaRy biết mà, nếu đi sai đường thì bị cỏ tranh đâm chân. Nhưng mà nè, Phơ Liêng không nên quá tin Đà Ra như vậy. Bởi người ta nói nước chảy không biết mệt, lời nói ngọt của con trai với con gái thì không nên tin nhiều. Phơ Liêng ngắt lời, thôi đi, nếu NaRy không về thì mình về đây. Về, dù có cực nhọc một chút thì bù lại được ở cạnh người ruột thịt. Về, dù người ta có chê cười là nhà quê thì cũng được ở nhà nóc cao, được thoải mái bước chân hơn là ở chợ mà cứ sống chui rúc trong phòng trọ chật chội. Về, dù không kiếm được nhiều tiền thì bù lại có nhiều tình nghĩa của những người trong phum sróc… Phơ Liêng vừa nói vừa dọn quần áo vào trong giỏ xách. Thấy vậy, NaRy liền kêu lên: “Mày nói về là về thiệt à?… chờ tau với…”

*

Khi Phơ Liêng và NaRy về tới cây cầu ván không tay vịn thì mặt trời đã đứng bóng. Bấy giờ đang vào mùa gió chướng, nắng rót nhàn nhạt, bầu trời có nhiều đám mây trắng đục vẩn vơ là đà bay. Gió vẫn lướt qua từng cơn mang theo cái hanh khô, những cánh bông so đũa đầu mùa đung đưa như mời gọi. Mà bông so đũa đem ra chấm mắm kho hoặc nấu canh chua thì còn gì ngon bằng. Nghĩ tới đó, cái bụng hai người đã réo sôi.

Trên con đê dài, họ thấy dáng một đứa trẻ đang ngồi trên lưng bò lững thững. Đứa trẻ ấy nghêu ngao hát bài “Chim sáo”: “Ơi ka keo ơi! / Xi ây men côn? / Xi pha lê tăm bon / Ve chăc kha ne lên / Ơi cà keo ơi!” (Ơi chim sáo ơi! / Ăn gì ‘mà’ có con? / Ăn trái bòn bon / Chúng ‘lại’ quấn nhau chơi / Ơi chim sáo ơi!).

Phơ Liêng bỗng bật cười nhớ tuổi thơ mình. Cũng ở nơi này, Phơ Liêng, NaRy và Đà Ra nữa nhiều lần cất rạp, nói đúng hơn là dựng cái nhà chòi rồi chơi hát tuồng dù kê. Cái tuồng được hát tới hát lui là “Chuyện tình Tum – Tiêu”. Nghĩ đến đây Phơ Liêng lại bật cười lần nữa. Hồi còn nhỏ, NaRy sao mà lạ, tuồng dù kê hay như vậy mà không thèm hát. NaRy chỉ thích đóng vai chằn với cặp nanh cong và dài, lúc ngậm vào lúc lại lồi ra hai bên mép, làm tăng thêm tính hung dữ. Vậy mà khi mệt hoặc khi chơi nửa chừng nhưng lại quên lời thoại thì NaRy chạy một hơi về nhà giở nắp nồi. Vì vậy mà NaRy hay bị tụi bạn gọi là “bà chằn cái cơm nguội!”. Có lần, NaRy nói với nhóm bạn vẫn thường chơi chung với nhau trong phum sróc: “Ai cũng thích đóng vai hiền, vai vua chúa, công chúa, hoàng tử thì tui phải đóng vai dữ chớ. Đóng cho nó vui. Mà chằn tinh không phải dễ đóng vai đâu à nghen… Rồi mấy người coi, vai chằn sẽ có ngày được người ta tìm hiểu và vinh danh”.

Còn nhắc tới đêm cúng trăng, mặc mọi người ước gì thì ước, NaRy thì chỉ ước một điều là có được cốm dẹp ăn hoài. Lúc này cũng sắp tới Lễ cúng trăng rồi, Phơ Liêng lại nghĩ, có lẽ NaRy cũng sẽ ước đến tối mấy đứa con nít đừng có giành chiếu ngồi với NaRy. Mùi thơm của cốm dẹp chắc là đang ngự trong trí não của cô ta.

*

Oóc-om-boóc không về, Chôl-chnăm-thmây cũng không chịu về, Phơ Liêng nghĩ, Đà Ra đúng là không biết giữ lời hứa. Lần Đôn-ta trước cũng vậy, Đà Ra nói không về được vì bận đi tập giảng, chuẩn bị cho đợt thực tập sắp tới. Mà phải chi Chôl-chnăm-thmây này dù Đà Ra có về trễ một chút thì vẫn còn hơn không, vì đây là ngày đầu năm, đón tết thêm một tuổi mới. Phơ Liêng thấy cái buồn len lỏi mãi chưa chịu buông tha. Năm nay nếu không có Đà Ra thì Phơ Liêng lại đi viếng chùa một mình. Cũng may, lần này có NaRy, nếu không Phơ Liêng sẽ không tham gia vào bất cứ cuộc vui nào, mặc dù người Lung Năn vẫn khen là Phơ Liêng hát hay, múa đẹp.

– Phơ Liêng à, NaRy nói, thấy lươn dài đừng vội đi kiếm nồi dài. Đà Ra quên mày thiệt rồi, mày không chờ được đâu!

– Nhưng, Đà Ra đã hứa rồi mà… Phơ Liêng ấp úng với bạn.

– Hứa à? Đó là do cha mẹ hứa, còn tau có nghe hai đứa mày hứa đâu hả. Sao mày dễ tin. Bây giờ nông dân ra đồng sạ, cắt lúa cũng đã bằng máy rồi mà mày thương ai, lấy ai cũng còn do cha mẹ đặt để à?! Mày thiệt thà quá chỉ bị người ta lừa gạt thôi.

– Có chuyện gì đang xảy ra với Đà Ra hay sao mà NaRy giấu tui vậy?

– Đà Ra đi thực tập làm nhóm trưởng, có rất nhiều bạn vây quanh. Tau thấy có cô bạn tên Hương hay Hường gì đó cứ bám riết Đà Ra của mày. Nghe đâu hai người có vẻ ăn ý với nhau trong đợt thực tập. Họ cũng từng đi ăn chè đậu và chở nhau đi chơi đó. Đà Ra nói bận học, bận thực tập nhưng tau thấy đi chơi suốt mà.

– Có thiệt vậy không NaRy?

– Mày không tin thì thử bữa nào tự tìm hiểu coi sao.

NaRy nói với Phơ Liêng chỉ có bấy nhiêu, rồi NaRy lại rời quê ngay trong ngày hôm sau. Thật tình Phơ Liêng không biết đã xảy ra chuyện gì. Mà thôi đi, có chuyện gì đâu, Phơ Liêng lại thấy vui vui khi bắt đầu vào mùa mưa. Giờ đây gió đã đổi hướng. Mưa tắm mát cỏ cây. Mưa làm dịu cơn khát của những người ra đồng. Mưa cho cóc ếch gọi bầy. Mưa cho khoả lấp hết nỗi buồn còn mưng mủ. Đây cũng là dịp trai gái làm quen, hẹn hò vào những buổi nghỉ tay bên ruộng lúa. Hơn nữa, mùa mưa còn là mùa Phơ Liêng chào đời. Phơ Liêng có nghĩa là mưa. Cô được mang tên này vì lúc Phơ Liêng cất tiếng khóc oe oe tại vùng đất Lung Năn thì cũng là lúc đất đai nơi đây hứng được cơn mưa đầu mùa nặng hạt. Có lẽ vậy mà cho đến bây giờ cô ta vẫn rất dễ rơi nước mắt.

*

Phơ Liêng nghe lời NaRy lên tận trường Đà Ra coi thử lời NaRy có thật không. Phơ Liêng ngồi quán cà phê gần nhà trọ của Đà Ra đợi. Mắt cô như dán vô cánh cửa phòng Đà Ra. Cuối cùng thì Đà Ra cũng về. Đà Ra chở cô áo đỏ ngồi trên xe đạp mới tinh. Phơ Liêng cố nhìn coi người con gái đó có phải là Hương hay Hường gì đó mà hôm nọ NaRy đã nói. Phơ Liêng đi như chạy tới phòng Đà Ra thì cô gái ấy đã đi đâu mất. Đà Ra thoáng giật mình vì sự có mặt bất ngờ của người yêu. Rồi Đà Ra lại cười mừng khi Phơ Liêng tới. Đà Ra ra vẻ giận: “Sao em lên đây mà không báo trước để anh đón. Em chờ có lâu không?”. “À… em cũng vừa tới. Anh đi đâu về mà diện đồ đẹp vậy?”. “Trời, đi học về chớ đi đâu. Tại bữa nay có liên hoan lớp sau đợt thực tập vừa rồi nên mặc đồ cho được chút vậy mà”. “Chớ hổng phải chở cô áo đỏ, áo xanh đi chơi mới dìa à?”. “Em nói kì, thôi vô phòng anh ngồi uống miếng nước rồi lát mình coi ăn cái gì nhé!”.

Vẫn những câu chuyện cũ được hai người kể lại. Phơ Liêng nhìn như dò xét từng động tác của Đà Ra. Phơ Liêng thấy dường như Đà Ra có điều gì đang giấu mình. Phơ Liêng bỏ ra ngoài phòng Đà Ra quan sát nhà trọ. Nhà trọ chia làm ba dãy hình chữ U. Phòng của Đà Ra ở dãy ngoài cùng. Bỗng cuối dãy phòng trọ, NaRy mặc áo đỏ đang đi hướng về phòng Đà Ra. NaRy không hay sự có mặt của Phơ Liêng. Khi hai người gặp chạm mặt nhau NaRy sững người, lúng túng: “Ủa, lên hồi nào vậy Phơ Liêng? Gặp người yêu chưa?”. “Đã gặp rồi bạn NaRy thân mến của tui ơi! Bạn nói về nhà có việc mà sao giờ ở đây?”. “Ờ, có về nhưng xong thì lên ngay. Nãy giờ qua phòng nhỏ bạn trao đổi mấy ý về luận văn đó mà!”. Phơ Liêng không nói gì.

Buổi chiều với những áng mây màu đục đang kéo nặng cho qua hết ngày. Gió hiu hiu mang hơi nắng cuối ngày càng làm con người khó chịu. Phơ Liêng bỏ về không thèm nói với Đà Ra cũng không thèm từ giã NaRy. Đà Ra đứng ngoài cửa phòng trọ nhìn thấy hai người và lặng lẽ nhìn Phơ Liêng mỗi lúc một đi xa. Đà Ra thở dài mấy lượt, anh trở vô phòng nằm gát tay lên trán ngắm con thằn lằn tặc lưỡi bò loanh quanh trên bờ tường. Đó đây đã có ánh đèn báo hiệu cho buổi tối bắt đầu. NaRy lúc này cũng chỉ im lặng và lẳng lặng bỏ đi về.

Kể từ lần đó thì NaRy càng tránh ánh nhìn thẳng với Phơ Liêng mỗi khi hai người trò chuyện. Trăng vẫn tròn, mùa mưa đã đến.

*

Càng về sau thì sức khỏe của Phơ Liêng càng suy sụp hơn. Phơ Liêng không ăn uống ngon miệng, lúc nào cũng buồn nôn, bụng đau âm ỉ, nóng ran như có ai chọc gậy trong dạ dày vậy. NaRy lại cứ ngỡ là bạn buồn và sống trầm hơn khi biết có bệnh về vấn đề đường con cái. NaRy nhiều lần rủ bạn đi coi bói đoán vận mạng thử coi sao. Phơ Liêng cười khì, bảo thầy bói ra ma quét nhà ra rác. Phơ Liêng cũng nhiều lần dọ thử ý bạn mình về chuyện tình cảm thì được NaRy cho biết là nàng ta cũng có tình ý với chàng trai có học nhưng tiếc nỗi người ta có bạn gái rồi. Tình yêu mà thành kẻ thứ ba thì có tội lắm. Phơ Liêng hỏi bạn thích bạn trai làm nghề gì thì NaRy cho biết cũng thích ai có nghề giống như bạn trai của Phơ Liêng. Cả hai cùng cười trong chiều đầy gió. Nhưng trong lòng Phơ Liên thoáng hiện nét buồn xa vắng.

Nhiều lần chập chờn trong mơ Phơ Liêng thấy Đà Ra và NaRy tay trong tay tình tứ lắm. Họ đều là sinh viên năm cuối, nếu là cặp đôi hoàn hảo thì hay biết chừng nào, còn mình chỉ là thợ làm bánh ở cái xưởng bánh tạm gọi là nổi tiếng nhất nhì ở cái tỉnh lẻ này thôi, vậy thì sao mà cùng đồng điệu tâm hồn với nhau, nghĩ vậy Phơ Liêng khóc ướt đầm gối trong mơ lúc nào cũng chẳng rõ.

Lần nọ, NaRy đang lúc ra chợ mua thêm gia vị, gạo và một vài thứ linh tinh khác cho cả bạn Phơ Liêng… được nửa đường thì xe đạp bị lủng ruột, đứt dây sên. NaRy đang loay hoay với sự cố không may thì bỗng đâu Đà Ra đang đạp xe ngược hướng lại NaRy có vẻ như đang về chỗ phòng trọ Phơ Liêng tìm người yêu. Đà Ra đã dắt xe của NaRy lại nhà ông Năm sửa xe gần đó. Ông Năm lại đi vắng, bà Năm nói: “Thôi, con cứ để đó đi, lát ổng dìa ổng sửa… có gì mai tới lấy cũng được mà. Vậy là thay ruột xe với làm dây sên lại hén…”. NaRy vuột miệng: “Dạ, vậy cũng được”, nói xong liền quay sang Đà Ra cho đi nhờ xe đạp anh ta về phòng trọ. Sẵn tiện đường mà cũng chỗ thâm tình, Đà Ra đâu nỡ chối từ. Trên đường về NaRy cứ như chim sáo líu lo, có những chỗ đường bị ổ voi, ổ trâu dằn xốc, NaRy đã dang tay ôm eo của Đà Ra. Không ngờ tay nàng cứ mãi ôm eo Đà Ra tới nhà trọ luôn. Phơ Liêng từ trong phòng trọ đã thấy thoáng xa có bóng hai người thân yêu của mình đang nói nói cười cười, ôm eo nhau và vi vu theo từng vòng xe lăn bánh mà lòng trĩu ngàn cánh hoa buồn. Phơ Liêng bỏ vô phòng, lên giường giả vờ nằm ngủ. NaRy chưa tới cửa đã nghe giọng gọi với vô nhà: “Phơ Liêng ơi! Ra coi có ai tới nè, hoàng tử của mày tới kìa!”.

Đà Ra qua thăm người yêu như mọi khi và cũng xem coi tình hình sức khỏe Phơ Liêng ra sao. Nhưng Phơ Liêng cứ nói trong người khỏe lắm, không có gì phải bận tâm đâu. Câu chuyện buổi chiều nhá nhem ấy cứ chắp rời không vui, không buồn, nó cứ gượng gạo trôi qua trong không khí mang đầy hơi nước.

Phơ Liêng chỉ có hai người thân nhất lúc này, đó là NaRy và Đà Ra. Mà dường như họ đang dần vuột khỏi tay nàng. NaRy là cô bạn thân nhất, Đà Ra là người tình nhưng mãi về sau này thì Phơ Liêng có cảm nhận rằng mình cũng có thể không có đủ sức khỏe để làm người vợ tốt cho anh ấy, chi bằng để cho người bạn gái NaRy đến với Đà Ra coi thử sao. Nghĩ là vậy, nhưng Phơ Liêng vẫn im lặng để cho chiều hướng tự nhiên cởi mở. Bởi lòng Phơ Liêng lúc này lo lắng nhất là căn bệnh viêm loét dạ dày thuộc dạng nặng cần phải chữa trị dứt điểm. Sự mệt mỏi làm Phơ Liêng nhiều lúc đuối sức rạc người, đôi lần muốn buông xuôi cho số phận. Phơ Liêng cứ uống thuốc theo toa, hết thuốc Tây tới thuốc Bắc rồi thuốc Nam, vậy mà căn bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thời gian từng ngày nặng trịch trôi qua. Mới đó mà dáng người Phơ Liêng tiều tụy thấy rõ.

*

Bẵng đi mấy tháng, NaRy lại về quê. Lần này Phơ Liêng thấy NaRy có phần xinh đẹp hơn trước đây, người cứ nói nói cười cười như hoa nở bình minh. Phơ Liêng dỗi:

– Sao không đi luôn đi, về chi.

NaRy lại cười:

– Tau nhớ mày, về mời đám cưới nè.

– Đám cưới ai?

NaRy không nói mà tay run run đưa cái thiệp cho bạn. Thiệp cưới có in hình đôi trái tim và tên cô dâu chú rể phủ trùm lên nhau trông thật đáng yêu, hạnh phúc: Đà Ra – NaRy.

Phơ Liêng đứng lặng.

NaRy vuốt ve bạn: “Phơ Liêng à, chuyện tình cảm khó nói lắm. Tau không nghĩ là tau yêu anh ấy. Mà anh ấy với mày cũng đang yêu nhau. Mày ngày đêm mong mòn ngóng mỏi anh ta. Tau không thể giành tình yêu của mày được. Nhưng mà Đà Ra nhiều lần thổ lộ tình cảm với tau và có nói là cuối cùng anh ấy nhận ra tình cảm giữa mày với ảnh chỉ là tình bạn bè kiểu anh em mà thôi. Ảnh nói thích tau, muốn sống cùng tau, vì cả hai đứa hợp tính tình. Mà tau đã từng từ chối tình cảm đó. Vì tau biết mày là bạn thân, tau không thể Phơ Liêng ạ. Nhưng rồi cái gì tới nó cũng đã tới như mày đã biết. Phận nữ mà, mày thông cảm cho tau nhé! Tau xin lỗi…”.

Ừ, thì vui lên! Phơ Liêng nghĩ, đám cưới là ngày vui mà, không ai được khóc, thường thì chỉ có cô dâu được khóc thôi. Phơ Liêng cũng kịp đọc lá thư xin lỗi tình yêu của Đà Ra. Lá thư biến thành trăm ngàn mảnh giấy vụn vỡ trước gió chiều. Phơ Liêng vụt chạy về phía cánh đồng mà không hay trời cũng bắt đầu đổ mưa. Người Phơ Liêng sũng nước. Phơ Liêng biết nước mưa thì trong, nước mắt cũng trong. Nhưng khác ở chỗ giọt nước từ khoé mắt của Phơ Liêng chảy xuống bờ môi nghe có vị mằn mặn. Phơ Liêng đi trên bờ đê trong cơn mưa đầy, nặng hạt. Gió đồng lồng lộng thổi như cố nhấc bổng nàng lên. Cơn mưa làm bụi mắc cỡ cụp lá nhưng vết sắc nhọn của gai vẫn vờ như không biết, nó cứ mãi cứa lòng chân của Phơ Liêng.

*

Đúng ngày, Phơ Liêng sang nhà NaRy phụ đám cưới. Tự dưng Phơ Liêng muốn gặp mặt NaRy và Đà Ra để nói hết với hai người những nghĩ suy của mình, dù chỉ một lần rồi thôi. Rằng duyên nợ này không phải của Phơ Liêng nên Phơ Liêng không giành lấy được. Nhưng không hiểu sao hai người lại phải lừa dối Phơ Liêng, nói gạt cả người Lung Năn khi mai này hai người sẽ về sống hạnh phúc nơi phố chợ. Không lẽ Phơ Liêng và đất Lung Năn này không đáng để hai người ở lại mà vội chối từ đến thế sao?

Lạ chưa, cái bụng Phơ Liêng nghĩ sẽ đi gặp hai người nhưng cái chân thì níu lại. Bông cỏ may vương trắng trời, bám đầy áo Phơ Liêng trong chiều ngược gió. Chợt có tiếng đứa trẻ chăn bò nghêu ngao hát ngoài bờ cỏ:

Ruộng ai thì nấy đắp bờ

Duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công…

Tối đó, nghe đâu mưa về trên đất Lung Năn rất lâu, mưa lớn lắm. Nhưng Phơ Liêng thì nghe như mưa ở rất xa, nó đang kết lại từng xâu muối xát trắng trong giấc mơ chưa kịp về…

Tác giả: Trần Huy Minh Phương

Thu Gọn Nội Dung

Audiobooks trướcKhúc Nhạc Chiều – Thi Văn
Audiobooks tiếp theoThần Thoại Hy Lạp
mèo con có sở thích nghe truyện, blog radio. truyện đêm khuya phát trên sóng Fm và mèo con muốn chia sẻ những truyện audio hay mà google đã được nghe và sưu tầm được tới thính giả của RadioPlus.vn

Để lại Comment tích cực để ủng hộ Mc - Phát Thanh Viên !

  1. Bhè ragazzi, quando fa freddo anche il nostro respiro si condensa e forma le caarcteristithe nuvolette.Per vedere qualche scia di condensazione, non serve quindi andare poi tanto lontano 🙂

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here